GIÁ TRỊ CỦA CON ĐƯỜNG

(Gr 33,14-16; 1Tx 3,12-4,2; Lc 3, 1-6)

Tu sĩ Gioan B. Bùi Văn Quân, M.F.

Kính thưa cộng đoàn rất thân mến,

Trong thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã xảy ra tại nhiều nước trên thế giới, và Việt Nam chúng ta cũng không thoát khỏi tai họa đó. Nó đã làm cho nền kinh tế, chính trị, đời sống Tôn giáo và các hoạt động khác của con người đều bị đảo lộn, ngưng trệ, các tuyến đường bộ nối từ các tỉnh thành, các phường xã, khu phố đều có các chốt chặn không cho giao thương với nhau,

con virút quái ác kia đã làm cho mọi người đều hoang mang và lo sợ không dám đến gần nhau, đến nỗi xã hội phải giãn cách vì con vi rút Corona nhỏ bé. Các con đường giao thông đi lại tự do hằng ngày giờ đây bị kiểm soát chặt chẽ, nội bất xuất, ngoại bất nhập, con người mất đi cái tự do đi lại. Kể cả đường thủy, đường sắt và đường hàng không cũng bị cô lập. Biết bao nhiêu người tìm mọi cách để được đi lại cũng cảm thấy khó khăn và vô vọng. Và trong lúc khó khăn gần như tuyệt vọng này, người ta nhận thấy rằng chỉ có những con đường tình yêu, con đường thương xót, con đường bác ái, con đường vị tha mới phá hết những chốt chặn vì dịch bệnh Covid, đem lại cho con người một tinh thần sống mới, và tương lai tươi đẹp hơn.

Tin Mừng Chúa Nhật thứ II Mùa Vọng hôm nay, thánh Lu-ca cũng nói đến những con đường qua lời loan báo của thánh Gioan Tẩy Giả mà ngôn sứ I-sai-a tiên báo: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Lc 3,4). Sứ mạng của Gioan Tẩy Giả là dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến, nên ngài kêu gọi mọi người hãy thay đổi đời sống: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng” (Lc 3,4-5). Nhưng chắc hẳn, con đường mà Gioan nói ở đây không phải là con đường vật chất được làm bằng đất đá hay xi măng, nhưng là con đường của tâm hồn mỗi người. 

Như vậy, muốn cho người ta sẵn sàng tiếp nhận Chúa Kitô, những trở ngại để tiến lên trong con đường đức tin cần phải dẹp sạch, và thực hành sám hối ăn năn và từ bỏ tội lỗi như Thánh Gioan Tẩy Giả mời gọi. Thánh Luca đã kết thúc câu trích Isaia rằng: "Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. (Lc 3, 6)

Vậy, con đường mà Chúa muốn chúng ta đi hôm nay là gì?

Nhìn ra thực tế cuộc sống, vẫn còn đó những con đường gồ ghề của lòng người. Trước tiên là những hố sâu của lòng tham lam. Xã hội càng phát triển thì dường như những khoảng cách giữa người giàu và kẻ nghèo lại càng được gia tăng. Sở dĩ như vậy, là bởi vì người ta vẫn chưa biết san sẻ cho nhau. Các nước giàu vẫn chưa biết san sẻ cho các nước nghèo, những người giàu chưa biết mở rộng lòng ra với những người có hoàn cảnh kém may mắn hơn mình. Con người chỉ lo cho hạnh phúc của mình, ai cũng chỉ chăm lo cho sự giàu có, sung túc của bản thân; trong khi, người nghèo khổ bất hạnh thì vẫn sống bơ vơ vất vưởng. Người ta sẵn sàng tiêu tốn cả bạc triệu vào những cuộc ăn chơi vô bổ chỉ trong chốc lát, nhưng lại rụt tay trước vài trăm bạc lẻ để giúp cho những mảnh đời nghèo khổ, ốm đau. Đứng trước thực tế phũ phàng đó, có người đã nhận định rằng: “Hình như nhân loại ngày nay chỉ có khả năng thương mình mà đánh mất khả năng thương người”.

Tiếp đến, con đường gồ ghề đó còn là những gò cao của lòng kiêu căng tự phụ. Vì kiêu căng, người ta sẵn sàng làm mọi thứ để đạt được quyền lực và danh vọng, kể cả bằng những con đường bất chính. Sở dĩ những cuộc chiến tranh đây đó vẫn hằng ngày xảy ra trên thế giới, là bởi vì người ta chưa thể dẹp bỏ tính tự ái để ngồi lại đàm phán với nhau. Trong xóm làng, ngoài khu phố, trong giáo xứ, giáo họ, vẫn còn những bất hòa và tranh chấp, đôi khi chỉ vì một lý do rất đơn giản là vẫn chưa tìm được sự hoà hợp thực sự, chưa tìm được một tiếng nói chung.

Cuối cùng, song song với những hố sâu của lòng tham lam, những gò cao của tính tự kiêu tự đại, trong cuộc sống còn có những con đường ngoằn ngoèo là những gian xảo, những mưu mô của lòng người. Trong làm ăn, người ta đối xử với nhau bằng những mưu mô, toan tính, miễn sao có lợi cho mình. Chẳng thế mà những hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng đang ngày càng tràn ngập khắp thị trường. Sự lươn lẹo, mưu mô đó không ngoại trừ cả trong lĩnh vực nhạy cảm như là tình cảm và tình yêu. 

Mỗi chúng ta cũng phải phát huy và làm tỏa rạng sứ mạng Kitô hữu trong thời đại chúng ta. Sứ mạng của chúng ta vẫn là dọn đường cho mọi người được thấy, được biết ơn cứu độ của Thiên Chúa. Thánh Gio-an đã dạy cho người thời ngài: bạt đồi lấp hố, uốn nắn cong queo, san bằng lồi lõm để dọn đường cho Chúa. Chúng ta hôm nay cũng phải dọn đường cho Chúa như thế. Đâu là những đồi cao, những hố sâu, những cong queo, những lồi lõm gồ ghề nơi bản thân, trong gia đình, trong cộng đoàn, trong xã hội; Và chúng ta phải quyết tâm sửa chữa những sai lầm, những thiếu sót ấy.

Ngày hôm nay, chúng ta cũng được Chúa mời gọi trở nên những Gioan Tẩy Giả trong thời đại hôm nay, và như thế chúng ta phải sống gương mẫu để kêu mời mọi người đến với Chúa. Chúng ta hãy là những tiếng kêu cho mọi người thức tỉnh, biết hoán cải thật lòng để xứng đáng đón Chúa ngự đến lần thứ hai trong uy quyền và vinh quang. Như lời của thánh Phaolô gửi tín hữu Phi-li-phê trong bài đọc II: “Anh em sẽ đem lại hoa trái dồi dào là sống một đời công chính nhờ Đức Giê-su Ki-tô, để tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa” (Pl 1, 11). 

Để tiếng kêu của chúng ta được rõ ràng và mạnh mẽ, chúng ta hãy gia tăng cầu nguyện, sửa đổi chính mình, hãm dẹp tính hư tật xấu và nhất là tập các nhân đức như bác ái, khôn ngoan, tiết độ... để chúng ta mỗi ngày một nên giống Chúa Giêsu và trở thành sứ giả Tin mừng. Amen.