LỜI VÀ THẦN KHÍ 

(Lc 1, 1-4, 4:14-21)

Tu sĩ Phêrô Võ Thanh Phong, M.F.

Kính thưa Quý Ông bà và Anh chị em rất thân mến.

Hằng năm cứ đến mùa hè, chúng ta lại có cảm giác niềm vui hân hoan và hạnh phúc khi hoa trái ơn gọi được sinh hoa kết quả, chúng ta lại thấy tràn đầy hy vọng khi các tân chức Linh mục về quê cử hành Thánh lễ tạ ơn hay còn gọi một câu ví von của người đời là “Vinh quy bái tổ”, nỗi niềm của một người con xa quê nay lại trở về khi công thành danh toại đã là một niềm tự hào lớn.

Thế nên, người ta có câu: “Đất có vàng không bằng làng có Cha”. Chúa Giêsu hôm nay đã trở về khai mạc công bố sứ vụ, minh nhiên “công bố Lời” đã ứng nghiệm nơi chính mình trong sự “đầy tràn Thần Khí” của Chúa. 

Trước hết, Lời của Chúa được thể hiện rõ ràng trong sự hân hoan, niềm vui, hạnh phúc trong bài đọc một khi ông Ét Ra đọc sách Luật ở quảng trường phía trước đền thờ cửa Nước, nơi đó mọi người quy tụ một cách nghiêm túc để lắng nghe và đồng thanh tung hô Đức Chúa. Chúng ta thấy họ đứng từ sáng tới trưa, nghe không biết chán, nghe cảm xúc và bật khóc đến nỗi ông phải khuyên họ “Anh em đừng sầu thương khóc lóc nữa”. Sao mà không khóc được, bởi vì đây là cuộc đọc “Lời Chúa” vô cùng đặc biệt sau ba mươi năm bị lưu đày, nghe lại lời cách say mê, nhủ thầm rằng mình như vậy mà Chúa vẫn thương và vẫn cứu, không những vậy Chúa còn đưa ra khỏi nơi lưu đày, cho hành hương, cho xây lại đền thờ và quy tụ nơi đây để nghe Lời của Chúa. Họ đã khóc vì Lời Chúa mà họ khao khát và đá động mạnh vào chính tận sâu thẳm con người họ. Thế nên, ngang qua bài đọc hai, Thánh Phaolô cho ta thấy mọi sự đều được sinh bởi Thần khí trong cùng phép rửa, chúng ta là những chi thể trong cùng một thân thể là Đức Giêsu Kitô, và mỗi người được ban riêng một ân sủng đặc biệt khác nhau, nhưng cùng thi hành một sứ mạng duy nhất là thực thi rao giảng Lời của Chúa.

Tiếp đến, Từ hai bài đọc trên như sợi chỉ đỏ xuyên suốt đoạn Tin mừng, sau bao nhiêu năm đi rao giảng và làm nhiều phép lạ, đến nỗi tiếng tăm của người không còn là chuyện đơn giản nữa; đến nỗi người ta phải tôn vinh. Nhưng hôm nay trong sự thúc đẩy của Thần Khí, người về quê, như mọi khi người vẫn quen làm, người đọc Sách Thánh. Đây là một việc Chúa Giêsu đã quen làm khi Người chưa đi rao giảng tin mừng, một hành động đã được thực hiện từ trước không có gì là mới mẻ. Chúa đọc và vẫn đọc, nhưng câu chốt nhấn mạnh của người là “hôm nay đã ứng nghiệm những gì quý vị vừa nghe”. Chúa Giêsu đọc Sách Thánh cách cổ động nhưng không giảng, nhưng đó là điều tinh túy nhất, cô đọng nhất của tiên tri Isaia “Thần khí Chúa ngự trên tôi […] một năm hồng ân của Chúa.” Tất cả đã được thánh Luca tóm kết một cách vẹn toàn sứ mệnh Thiên sai của người. Đó là bài giảng không hùng hồn, không dài dòng, không hoa mỹ, không nhiều lời nhưng lại là bài giảng rất thực tế, chân thật là máu thịt của chính mình. Đây được xem là một bài giảng công khai mạc khải sứ vụ, một sự công khai đã được tiên tri Isaia tiên báo trước 5 việc của Người: Loan báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn – Kẻ giam cầm biết họ được tha – Người mù biết họ sáng mắt – Trả tự do cho người bị áp bức – Công bố một Năm Hồng Ân cứu độ.

Thứ đến, một điểm lưu ý tiếp theo là sự sống hoạt động nơi Thần Khí Thiên Chúa. Thần Khí là tác nhân chính trong sứ vụ truyền giáo và hoạt động của Chúa Giêsu cũng như Giáo hội. Chính Thần Khí hoạt động cách công khai trên cuộc đời của Chúa Giêsu đến giây phút người trở về cùng Cha. Xuyên qua đó, Giáo hội được tiếp nhận Thần Khí ấy: Được hoạt động, được bảo vệ, được phát triển trong sự vận hành của Ngài. Có thể nói chính Thần Khí đã và đang một cách nào đó hoạt động trong chính mỗi người. Bởi vì như Tiên tri Isaia đã nói: “Họ sẽ được thêm sức mạnh. Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân.” (Is 40,31).

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ.

Trong đời sống chúng ta ngày hôm nay, Chúa Giêsu đã đến và công bố sứ mạng của Ngài, hơn hết Ngài đã thi hành sứ mạng đó thật vẹn toàn bằng cả thân xác và linh hồn. Còn chúng ta thì sao? Cũng như người Do Thái xưa, chúng ta nghe Lời Chúa thật nhiều, cử hành phụng vụ thật nhiều, chúng ta cầu nguyện thật nhiều, chúng ta cử hành phụng vụ tôn vinh trong Hội thánh nhưng dường như lại quên tôn vinh Lời Chúa. Thánh Đaminh nói rằng hãy: “nói với Chúa, để rồi có thể, nói về Chúa”. Đã nhiều lần, chúng ta học một khóa huấn luyện Lời, nghe một bài giảng hoặc đọc một cuốn sách thật là hay. Lúc đó, chúng ta như muốn bùng nổ bứt phá cơ thể chính mình để có thể đi ngay vào quỹ đạo con người nhằm rao giảng Lời của Chúa, muốn chinh phục con người trong cái gọi là sư phạm thần học Thánh Kinh của mình. Nhưng rồi, nó đâu diễn ra như điều ta muốn, lâu dần ta mất đi ngọn lửa, vẫn phải tiếp tục mày mò từng dòng Kinh Thánh dưới ngọn đèn leo lét.

Có lẽ, chúng ta có cái khao khát, có cái cảm nhận đó! Nhưng chúng ta chưa có cái gọi là “Cảm Nghiệm Lời Chúa” để chia sẻ với mọi người cái cảm nghiệm đó. Cái cảm nghiệm bằng chính con người mình, bằng chính con tim của mình và bằng chính sức mạnh nội tại của mình vì “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.  Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ (Dt 4,12-13).” Chúng ta có để Thần Khí làm việc trên ta hay không? Hay ta làm việc trên Thần Khí bằng khả năng của mình. ĐGH Gioan Phaolô II đã nói: “Ngày nay người ta cần Chứng nhân hơn Thầy dạy” hoặc ĐGH Phanxicô đã nói: “ngày xưa các Thánh Tử Đạo, Ngày nay khó hơn là phải sống chứng nhân”. Sự cảm nghiệm Lời của Chúa thấu tận vào con người ta như máu và thịt để mỗi ngày ta là những chứng nhân sống động của Lời, chính là điều mà Chúa và mọi người ao ước nơi ta. Cùng với đó ta chẳng làm gì được nếu ta không biết đặt mọi sự trong Thần Khí vì như Thánh Phaolô đã nói: “Phaolô trồng, Apôlô tưới, nhưng chính Chúa mới làm cho lớn mạnh”.

Tóm lại, Lời Chúa hôm nay muốn nói với ta hai điều: Chúa Giêsu đã đến và thực hiện đúng những gì mà sách đã nói về Người, Chúng ta hôm nay là những thế hệ kế thừa, chúng ta sẽ làm gì để sứ mạng Lời của Chúa tiếp tục đến với mọi người? Chúng ta có phải là những chứng nhân sống động của Chúa qua việc sống cộng đoàn yêu thương. Chúng ta có để Thần Khí Chúa hoạt động trên ta hay ta đang phớt lờ Ngài bằng khả năng của chính mình? đó là câu hỏi cho mỗi người trong chúng ta. 

Lạy Chúa, Chúa đã đến để thực hiện Lời của Ngài và để cho Thần Khí hoạt động. Xin cho mỗi người trong Chúng con biết dùng Lời để chuyển hóa thành máu và thịt qua việc sống, chứng nhân để con tim nói về Chúa và cho chúng con biết đặt để Thần Khí Ngài trong mọi sự cuộc đời chúng con. Để Chúng con trở nên “đôi tai cho người bị điếc; đôi mắt cho kẻ mù lòa; tiếng nói của người bị câm, con tim của người oán hận và đôi chân cho người què cụt”. Xin Chúa biến đổi mỗi người chúng con để mỗi ngày chúng con làm sáng danh Chúa và Giáo hội vì chỉ có Lời và Thần Khí mới thật sự dẫn đến tình yêu như Thánh Augustinô đã nói: “Tình yêu có đôi chân đến với người nghèo. Tình yêu có đôi mắt để thấy bất hạnh và thiếu thốn. Tình yêu có đôi tai để nghe được tiếng than thở của tha nhân”. Amen.