THỜI ĐẠI CÔNG NGHỆ VÀ THÓI ĐẠO ĐỨC GIẢ

(Hc 27, 5-8; 1 Cr 15, 54-58; Lc 6, 39-45)

Tu sĩ Antôn Nguyễn Ngọc Linh, M.F.

Kính thưa quý ông bà và anh chị em

Với công nghệ 4.0 như ngày hôm nay, chúng ta có thể thấy một cuộc “sống ảo” của đa số người trên chiếc điện thoại thông minh. Nói là thông minh vì nó có thể giúp ích cho con người trong mọi thứ, có thể kiếm tiền, học tập, làm việc, giải trí trên đó. Và nó cũng có thể “chiều” con người chúng ta như việc muốn có bức ảnh đẹp, chúng ta chỉ cần vào một apps trên điện thoại ví dụ như apps 360 độ là có ngay.

Bên cạnh đó, nó cũng mang lại bao nhiêu là tác hại cho con người vì sự “vô thưởng vô phạt” của nó. Ở trên đó, con người có thể phanh phui, soi mói nhau, để cho bàn dân thiên hạ biết được tật xấu của nhau. Và có những lúc, họ tự phô trương, đánh bóng bản thân để che dấu những thực tại xấu xa bên trong mình. Phải chăng đây là “thói đạo đức giả” của thời đại hôm nay? Như vậy, làm sao để chúng ta có thể biết được “thiện- ác Smart phone”? 

Trở lại với sứ điệp Lời Chúa trong Chúa Nhật VIII Thường Niên Năm C hôm nay, Chúa Giêsu đặc biệt gay gắt chống lại thói đạo đức giả. Người dùng hình ảnh người mù để chỉ những hạng người này. Người ta thường nói: “Con mắt là cửa sổ tâm hồn”, bởi vì nó giúp chúng ta thấy bao nhiêu điều tốt đẹp trong cuộc sống này. Mắt có sáng, chúng ta mới có thể bước đi và dẫn dắt người khác đi đúng đường được. Ngược lại, khi chúng ta bị mù thì bản thân mình đi lại còn khó, làm sao có thể dẫn dắt người khác được. Hình ảnh một người mù dẫn một người mù là một hình ảnh rất cụ thể để nói về những “hiện tượng mạng” trong thời gian vừa qua. Có những lúc, chúng ta “tự xưng” là nhân danh công lý để đòi quyền lợi cho người nghèo. Nhưng chúng ta đã bị mù về “lương tâm”, để rồi không nhận ra hay không có cái nhìn đúng đắn về tính chân thực của vấn đề. Hay chỉ vì chút quyền lợi cá nhân, vì muốn nổi tiếng, chúng ta có thể nói sai sự thật, nói ngược lại với các dư luận của xã hội. Ở trên “thế giới ảo”, chúng ta không bị mù về thể lý, nhưng lương tâm chúng ta có thể bị mù quáng. 

Một trong biểu hiện của thói đạo đức giả là sự xét đoán lẫn nhau. Người đạo đức giả trở thành “thánh soi” để chuyên đi bắt lỗi người khác mà quên đi tội lỗi của mình còn ghê gớm hơn nhiều. Chúa Giêsu cho biết nguyên nhân là họ chỉ “nhìn cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy”. Con mắt chúng ta dùng để nhìn những người khác và ít khi nhìn bản thân mình. Vì thế, chúng ta dễ dàng thấy lỗi lầm của anh chị em mình nhưng khó có thể thấy được lỗi lầm của bản thân. Chính vì thích xét đoán người khác, đôi lúc chúng ta phóng đại, thêu dệt lên để cho câu chuyện nó hấp dẫn, ly kỳ. Từ cái nhìn một chiều, chúng ta luôn hướng về điều xấu và thiếu đi cái nhìn về các điều tốt của anh chị em mình. Chúa Giêsu không cấm chúng ta sửa lỗi cho anh chị em mình, nhưng Người muốn chúng ta “lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi”. Khi lấy cái xà ra khỏi mắt, chúng ta sẽ có cái nhìn bao dung hơn với những lỗi lầm của anh chị em mình. Cái nhìn của chúng ta giờ đây không còn là cái nhìn của sự phê phán, chỉ trích mà là cái nhìn đầy cảm thông, yêu thương, và tha thứ. 

Quý ông bà và anh chị em thân mến,

Trở lại với cuộc sống thường ngày, chúng ta tự kiểm điểm xem mình có đang sống theo kiểu đạo đức giả hay không? Chúng ta có trở thành hạng người luôn “ngồi lê đôi mách”, để rồi “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường” hay không? Chúng ta có đang tìm mọi cách để “dìm hàng” anh chị em mình và không cho họ ngẩng đầu lên hay không? Thay vào đó, những lời chúng ta nói ra, những cung cách chúng ta thể hiện, phải có tinh thần xây dựng, sửa đổi cho nhau. Trong bài đọc I sách Huấn Ca, tác giả đã dùng hình ảnh “cái sàng” để nói nết xấu của con người cũng được sàng lọc qua lời nói của chúng ta. Nếu lòng chúng ta tốt thì sẽ nói những điều tốt lành về anh chị em mình. Còn lòng chúng ta thâm độc thì luôn phát ra những lời nói gây nguy hiểm cho người khác. Một người tốt hay xấu sẽ được thể hiện nơi lời nói của họ.

Qua sứ điệp Lời Chúa hôm nay, chúng ta phải biết cảnh tỉnh khi đưa ra một lời nhận xét hay kết tội một ai đó. Nhất là trên các trang mạng xã hội, chúng ta đừng trở thành những “anh hùng bàn phím” để quá vội vàng chạy theo đám đông trong khi chưa hiểu chân tướng sự việc. Chúng ta đừng biến anh chị em mình trở thành những nạn nhân bởi những trò “câu like” rẻ tiền trên đó. Ước mong rằng, trong mỗi ngày sống, dù là sống “ảo” hay sống thực, chúng ta hãy tập suy nghĩ và nói ra những điều tốt đẹp về anh chị em mình. Để rồi, chúng ta sống đúng với hành động khiêm tốn đấm ngực và nói rằng: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Amen.