Phục Sinh – Niềm Vui Lây Lan

Lm. Giuse Trịnh Văn Cung, MF.

Thời gian qua, chúng ta đã nghe quá nhiều đến tình trạng lây lan dịch bệnh của Virus Corona. Một virus nhỏ bé nhưng lại gây ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt của con người trên toàn thế giới. Một ca F0 có thể lây lan sang nhiều ca F1 và từ F1 có thể lây sang các ca F khác theo cấp số nhân.

Hôm nay, chúng ta tạm gác lại chuyện lây lan dịch bệnh mà chuyển sang một dạng lây lan mới. Đó chính là lây lan NIỀM VUI PHỤC SINH.

Tại sao lại có kiểu lây lan niềm vui này? Chúng ta đã cảm nhận niềm vui của người tội lỗi mà được thứ tha; niềm vui của người đi trong bóng tối mà thấy được nguồn ánh sáng; niềm vui của người chết đuối mà được cứu sống và niềm vui của kẻ chết mà nay sống lại... Chắc chắn, chúng ta không thể giữ niềm vui cho riêng mình mà sẽ mau chóng làm niềm vui lây lan sang nhiều người khác. Danh ngôn cuộc sống có câu: “Niềm vui chia sẻ niềm vui nhân đôi”.

Hôm nay, Tin mừng theo thánh Gioan cũng thuật lại cho chúng ta vài ca lây lan niềm vui trong biến cố trọng đại của ngày lễ này.

Trước hết, chúng ta nhìn vào “ca nhiễm F1” là Phêrô. Vì sao lại là Phêrô? Vì khi nghe tin Maria Mácđala kể lại, ông chạy ra mộ. Ông không biết được điều gì đã và đang xảy ra. Ông cũng đang có nhiều điều khó nói trong lòng. Mới vài ngày trước đây, ông đã phản bội Thầy, đã chối Thầy. Vì cũng trước đó, ông đã quả quyết rất chắc: “Cho dầu mọi người có bỏ Thầy, con quyết không bao giờ” (Mt 26,33). Ông đâu có ngờ mình lại hành xử như thế! Ông đã quá xấu hổ với Thầy. Dù xấu hổ, dù muộn màng, nhưng ông vẫn cứ chạy, ông đã tiến vào ngôi mộ trống. Chính ngôi mộ trống, khăn vải liệm và mọi thứ sắp xếp ngăn nắp gọn gàng…ông lờ mờ hiểu ra, để rồi ông tin. Một niềm vui đang lan toả mạnh hơn sự chết, mạnh hơn những yếu đuối và sự chối bỏ Thầy của ông. Ông đã nhiễm NIỀM VUI PHỤC SINH.

Ca nhiễm F1 tiếp theo là Gioan, môn đệ được Chúa yêu, ông đã chạy nhanh hơn cả Phêrô. Ông đến mộ trước nhưng không vào. Ông muốn dành vinh dự được thấy Thầy sống lại cho anh trưởng là Phêrô. Ông đến nơi, nhưng đứng ngoài nhìn vào và sau cùng ông cũng vào. Tin mừng thuật lại: “Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin” (c.8). Quả thực, tình yêu có thể thấy những dấu hiệu nhỏ mà người khác không thể thấy. Ông đã tin vào sự sống lại của Thầy và NIỀM VUI PHỤC SINH bắt đầu lây lan.

Cuối cùng, chúng ta lần ra F0 lây lan NIỀM VUI PHỤC SINH đầu tiên chính là Maria Mácđala, bà được thúc đẩy từ sáng sớm, lúc trời còn tối bà đi đến mộ, bà luôn muốn gặp Chúa. Có thể nói Maria Mácđala là người đã trải qua cả hai cảm nghiệm của Phêrô và Gioan. Trải nghiệm tội lỗi đối với bà là quá cùng cực, quá đau thương, và trải nghiệm được yêu thương, được đụng chạm tới lòng thương xót Chúa thì lại vô cùng. Điều Đức Giêsu mang đến cho bà như là một sự giải phóng khỏi bế tắc và sự chết, như là tảng đá đã lăn ra khỏi mồ. Trải qua bao thăng trầm, bà vẫn luôn hướng về Thầy Giêsu. Đây cũng chính là cốt lõi của niềm vui sẽ vỡ oà và sẽ thăng hoa bất tận khi Chúa gọi: “Maria !” (Ga 20,16). Bà nhận ra Chúa! Bà không thể giữ niềm vui cho riêng mình nữa. NIỀM VUI PHỤC SINH bùng phát và đã lây lan ngay lập tức!

Qua hai mươi thế kỷ, niềm vui của các tông đồ và của các tín hữu tiên khởi vẫn còn được tiếp tục lây lan. Hôm nay, NIỀM VUI PHỤC SINH đã lan tràn trên khắp thế giới. Chúng ta vẫn hân hoan tuyên xưng Đức Giêsu là Đức Kitô, là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế và là Đấng Phục Sinh. Ngài đã chết để cứu chuộc nhân loại. Ngài đã sống lại và đang sống để bảo đảm cho chúng ta cũng được sống lại như Ngài.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con sự sống của Chúa, sự sống làm chúng con hăng hái lên đường. Xin ban cho chúng con bình an của Chúa. Bình an làm chúng con sẵn sàng ra đi đến với mọi người. Xin ban niềm vui Phục sinh của Chúa. Niềm vui khiến chúng con phải reo lên: Chúa đã sống lại thật rồi! Alleluia! Alleluia!