Article Index

 

Chương VI: NHỮNG GÌ CẦN PHẢI CÓ ÐỂ CỬ HÀNH THÁNH LỄ

I. BÁNH VÀ RƯỢU LỄ

II. CÁC VẬT DỤNG PHỤNG VỤ NÓI CHUNG

III. CÁC BÌNH THÁNH

IV. PHẨM PHỤC THÁNH

V. NHỮNG VẬT DỤNG KHÁC DÙNG TRONG THÁNH ÐƯỜNG 

I.  BÁNH VÀ RƯỢU LỄ

319. Noi gương Chúa Kitô, Hội Thánh luôn dùng bánh và rượu có pha chút nước để cử hành bữa tiệc của Chúa.

320. Bánh lễ phải là bánh miến thuần túy, mới làm, và theo truyền thống xưa của Hội Thánh Latinh, phải là bánh không men.

321. Tính cách dấu chỉ  đòi chất liệu dùng khi cử hành Thánh Lễ phải thực sự  được coi là của ăn. Vậy, dù đó là thứ bánh không men và làm theo hình thức cổ truyền, phải làm bánh lễ thế nào, để trong Thánh Lễ có giáo dân tham dự, vị tư tế có thể bẻ bánh đó ra nhiều phần và phân phát cho ít là một số tín hữu rước. Tuy nhiên, không loại trừ những bánh lễ nhỏ, khi số người rước lễ và những lý do mục vụ khác đòi hỏi. Cử chỉ bẻ bánh, đã trở nên tên gọi bí tích Thánh Thể đời các Tông đồ, sẽ biểu lộ rõ rệt hơn hiệu lực và tầm quan trọng của dấu chỉ sự hiệp nhất giữa mọi người trong một tấm bánh, và dấu chỉ đức bác ái, bởi vì một tấm bánh được phân phát giữa anh em.

322. Rượu dùng trong Thánh Lễ phải là rượu nho (x. Lc 22,18), tự nhiên và nguyên chất, nghĩa là không pha trộn chất gì khác.

323. Phải cẩn thận lo liệu sao cho bánh và rượu lễ được giữ trong tình trạng tốt, nghĩa là rượu không ra chua và bánh không bị hư hỏng hay quá cứng, đến nỗi khó bẻ.

324. Nếu sau truyền phép hay lúc rước lễ, vị tư tế mới nhận ra không phải rượu được rót, mà là nước, thì hãy đổ nước đó trong một bình, rồi rót rượu và nước vào chén thánh, đọc phần trình thuật liên quan đến truyền phép chén, mà truyền phép rượu đó, không buộc truyền phép bánh lần nữa. 

II. CÁC VẬT DỤNG PHỤNG VỤ NÓI CHUNG

325. Cũng như đối với việc xây dựng thánh đường, Hội Thánh chấp nhận mỹ thuật và tính địa phương trong việc chế tạo các vật dụng phụng vụ, và tiếp nhận những cách thích nghi hợp với não trạng và truyền thống mỗi dân tộc, miễn là chúng đáp ứng với mục tiêu sử dụng mà các vật dụng thánh nhắm tới.[cxxxiv] [133]

Về vấn đề này, phải chú trọng tính cách đơn sơ trang nhã, là điều luôn đi đôi với mỹ thuật đích thực.

326. Khi chọn lựa chất liệu để làm các vật dụng thánh, thì ngoài những chất liệu truyền thống, có thể chấp nhận những chất liệu được coi là trang nhã, bền vững, theo quan điểm thời đại chúng ta và thích hợp tốt với việc sử dụng thánh. Hội Ðồng Giám Mục sẽ phán quyết về vấn đề này cho mỗi miền.

III. CÁC BÌNH THÁNH

327. Trong các vật dụng cần phải có để cử hành Thánh Lễ, các bình thánh phải được đặt biệt tôn trọng, và trong số đó, có chén thánh và đĩa thánh, dùng để dâng, truyền phép và rước bánh rượu.

328. Các bình thánh phải được làm bằng kim loại quý. Nếu được chế từ kim loại có thể bị rỉ sét hay kém hơn vàng, thì phía trong các bình phải được mạ vàng.

329. Tuỳ theo phán quyết của Hội Ðồng Giám Mục, được Toà Thánh ra văn bản công nhận, các bình thánh có thể được làm bằng những chất liệu khác vững bền và cao quý theo đánh giá chung của địa phương, ví dụ: ngà hay vài thứ gỗ cứng, miễn là thích hợp cho việc sử dụng thánh. Trong trường hợp này luôn luôn nên chọn chất liệu không dễ vở hay hưhỏng. Ðiều này đặc biệt áp dụng cho các bình đựng Mình Thánh, như đĩa, bình, hộp, mặt nhật v.v...

330. Về chén thánh và các bình đựng Máu Chúa, phần chứa đựng phải làm bằng chất liệu không thẩm thấu. Còn phần chân thì có thể làm bằng chất khác bền chắc và xứng đáng.

331. Ðĩa đựng bánh thánh nên làm khá lớn để có thể đặt vào đó bánh cho vị tư tế, phó tế, các người giúp khác và tín hữu.

332. Về hình dáng các bình thánh, các nghệ nhân chế tạo theo cách thích đáng, đáp ứng các thông tục của địa phương, miễn là thích hợp với việc sự dụng thánh mà chúng nhắm tới, và phân biệt rõ với những bình thông dụng.

333. Việc làm phép các bình thánh phải theo nghi thức trong các sách phụng vụ.[cxxxv] [134]

334. Nên giữ thói tục làm một giếng thánh trong phòng thánh. để đổ vào đấy nước rửa bình thánh và nước rửa chỗ bánh thánh rơi (x. n. 280).

IV. PHẨM PHỤC THÁNH

335. Trong Hội Thánh, là  Thân thể Chúa Kitô, các chi thể không thi hành cùng một phận vụ như nhau. Khi cử hành Thánh Lễ, sự khác biệt giữa các phận vụ được tỏ lộ ra bên ngoài bằng sự khác biệt các phẩm phục thánh, chúng là dấu chỉ cho biết phần vụ riêng của thừa tác viên. Tuy nhiên các phẩm phục thánh cũng nên góp phần tăng vẻ đẹp của hành vi thánh. Phẩm phục của vị tư tế, phó tế và thừa tác viên giáo dân phải được làm phép theo nghi thức.[cxxxvi] [135]

336. Phẩm phục cho mọi thừa tác viên có chức thánh hay có thừa tác vụ thuộc bất cứ cấp bậc nào là áo trắng dài có dây thắc lưng, ngoại trừ áo được may dính liền với thân thểnên không cần dây. Trước khi mặc áo alba, nếu nó không che kín áo thường xung quanh cổ, thì dùng khăn vai. Không được thay thế áo alba bằng áo các phép, cũng không được mặc một áo dài tới gót thay cho áo alba, khi phải mặc áo lễ hay áo phó tế, hoặc, theo luật, chỉ mang có dây stola mà không có áo lễ hay áo phó tế.

337. Phẩm phục riêng của vị chủ tế trong Thánh Lễ và những hành vi thánh có liên quan trực tiếp đến Thánh Lễ, là áo lễ mặc ngoài áo alba và dây stola, nếu luật phụng vụ khôngđịnh khác đi.

338. Phẩm phục riêng cho phó tế là áo dalmatica, mặc ngoài áo alba và dây stola; tuy nhiên có thể bỏ áo dalmatica vì lý do cần thiết hay vì cuộc lễ ít long trọng.

339. Thầy giúp lễ, đọc sách, và các người giúp giáo dân khác có thể mặc áo alba hay áo nào khác được Hội Ðồng Giám Mục chấp thuận hợp pháp cho từng miền.

340. Vị tư tế mang dây stola xung quanh cổ và rủ xuống ngực, còn phó tế thì mang chéo từ vai trái ngang trước ngực sang bên phải thân thể, và  được kẹp giữ ở đó.

341. Áo choàng được vị tư tế mặc khi rước kiệu hay các hành vi thánh khác, theo luật chữ đỏ của các nghi thức đó.

342. Về hình dáng của phẩm phục thánh, Hội Ðồng Giám Mục có thể xác định và  đề nghị với Toà Thánh những thích nghi đáp ứng với các nhu cầu và thói tục của từng miền.[cxxxvii][136]

343. Ðể làm các phẩm phục thánh, ngoài những chất liệu truyền thống, có thể dùng sợi tự nhiên có sẵn ở địa phương, và những sợi nhân tạo khác, đáp ứng với phẩm giá của hành vi thánh và nhân vật. Hội Ðồng Giám Mục phán quyết về chuyện này.[cxxxviii] [137]

344. Nên biết là vẻ đẹp và sự trang nhã của phẩm phục không hệ tại nhiều trang trí đính thêm vào, nhưng ở tại chất liệu và hình dáng. Các trang trí phải mang những hình dung hay biểu tượng chỉ về ý nghĩa của cử hành phụng vụ, phải loại bỏ những trang trí bất xứng với ý nghĩa này.

345. Các màu sắc khác nhau của phẩm phục nhằm diễn tả cách hữu hiệu và ra bên ngoài khi thì đặc tính của các mầu nhiệm đức tin được cử hành, khi thì ý nghĩa của đời sống kitô giáo, theo diễn tiến của năm phụng vụ.

346. Về màu sắc của phẩm phục thánh, nên giữ thói quen truyền thống sau đây:

a. Màu trắng được dùng trong Thần vụ và Thánh Lễ mùa Phục Sinh và mùa Giáng Sinh, trong các lễ kính Chúa, ngoại trừ cuộc Thương Khó của Người, các lễ kính Ðức Trinh NữMaria, các Thiên Thần, các Thánh không tử đạo, lễ trọng kính Các Thánh (1 tháng 11), kính Gioan Tẩy Giả (24/6), các lễ kính thánh Gioan Thánh sử (27/12), Ngai Toà Phêrô (22/2), thánh Phaolô trở lại (25/1).

b. Màu đỏ được dùng trong Chúa Nhật Thương Khó và thứ Sáu Tuần Thánh, Chúa Nhật Hiện Xuống, các cử hành cuộc Thương Khó của Chúa, lễ các Tông Ðồ và Thánh Sử, và lễ các Thánh Tử  Ðạo.

c. Màu xanh dùng trong Thần vụ và Thánh Lễ mùa "Quanh Năm".

d. Màu tím dùng trong mùa Vọng và mùa Chay. Có thể dùng trong các nghi thức phụng vụ và Thánh Lễ cầu cho người qua đời.

e. Màu đen có thể dùng trong lễ cầu cho người qua đời, ở đâu có thói quen này.

f. Màu hồng có thể dùng trong Chúa Nhật Gaudéte (III Mùa Vọng) và Laetare (IV Mùa Chay), ở đâu có thói quen này.

Tuy nhiên, Hội Ðồng Giám Mục có thể quy định và đệ trình cho Toà Thánh các thích nghi về màu sắc phụng vụ đáp ứng với nhu cầu và não trạng của dân chúng.

347. Trong các lễ nghi thức, dùng màu riêng của lễ, hay màu trắng hay màu lễ hội; còn các lễ tùy nhu cầu thì dùng màu của ngày hôm đó hay màu của mùa hay màu tím, nếu có tính cách thống hối (x. nn. 31,33,38); các lễ tùy ý thì dùng màu thích hợp với lễ cử hành, hay màu của ngày hôm đó hoặc màu của mùa.

V. NHỮNG VẬT DỤNG KHÁC DÙNG TRONG THÁNH ÐƯỜNG

348. Ngoài các bình thánh và phẩm phục thánh, mà chất liệu đã được qui định, những vật dụng khác hoặc được dùng trong phụng vụ[cxxxix] [138] hoặc được đặt trong thánh đường, phải xứng đáng và đáp ứng với mục tiêu mà mỗi vật dụng nhắm tới.

349. Phải lưu tâm một cách đặc biệt đến các sách phụng vụ, nhất là sách Tin Mừng và sách Bài Ðọc, vì được dùng để công bố Lời Chúa và do đó đáng được tôn kính đặc biệt. Trong cử hành phụng vụ, chúng là dấu chỉ và biểu tượng của những thực tại siêu nhiên, nên phải xứng đáng, được trang hoàng và đẹp đẽ.

350. Trên hết, phải lưu tâm đến những gì có liên quan trực tiếp đến bàn thờ và cử hành Thánh Lễ, như thánh giá bàn thờ và thánh gia cầm khi rước kiệu.

351. Phải hết sức cố gắng để trong cả những vật dụng ít quan trọng, các đòi hỏi về nghệ thuật được bảo đảm, luôn phối hợp sự  đơn sơ trang nhã với nét thanh tú.

Ý Cầu Nguyện Tháng 12

“CẦU NGUYỆN CHO NHỮNG NGƯỜI HÀNH HƯƠNG HY VỌNG"

Chúng ta hãy cầu nguyện để Năm Thánh mở ra cho chúng ta sự tăng cường về đức tin, giúp chúng ta nhận biết Đức Kitô phục sinh ở giữa cuộc đời chúng ta, biến đổi chúng ta thành những người hành hương đầy hy vọng Kitô giáo.

Giải Đáp Hôn Nhân & Gia Đình

Số 09 – Ngăn Trở Tiêu Hôn - P2
  Giải Đáp Hôn ...
Số 08 – Ngăn Trở Tiêu Hôn
Giải Đáp Hôn Nhân ...
Số 07 - Ly Thân Theo Giáo Luật
Giải Đáp Hôn Nhân ...
Số 06 - Đặc Ân Thánh Phêrô
Giải Đáp Hôn Nhân ...
Số 05 - Đặc Ân Thánh Phaolô
Giải Đáp Hôn Nhân ...

Hạt Giống Đức Tin

Hạt Giống Đức Tin 96
Chúng ta đứng trước ...
Hạt Giống Đức Tin 95
Mừng lễ Chúa Kitô ...
Hạt Giống Đức Tin 94
“Ai muốn cứu mạng ...
Hạt Giống Đức Tin 93
"Thấy vậy mà không ...
HẠT GIỐNG ĐỨC TIN 92
Từ ngàn xưa người ...

Đang Online

We have 57 guests and no members online

  • 311/14/9 Đường 30/4, P. Phú Thọ,
    Tp. Thủ Dầu Một, T. Bình Dương
  • This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
  • 0274 3822 586
  • mfvietnam.org