-
Ngày Đăng: 25 March 2021
-
Lượt xem: 8265
Article Index
Chương IX: CÁC THÍCH NGHI THUỘC QUYỀN GIÁM MỤC VÀ HỘI ÐỒNG GIÁM MỤC
386. Việc soạn thảo Sách Lễ Rôma, được thực hiện vào thời đại chúng ta theo qui tắc của các sắc lệnh của Công Ðồng Chung Vaticanô II, luôn lưu tâm làm sao cho mọi tín hữu, trong cử hành Thánh Lễ, có thể tham dự cách đầy đủ, ý thức và linh hoạt, như bản chất Phụng Vụ đòi hỏi, và như các tín hữu, do thân phận mình, có quyền và có bổn phận yêu cầu.[cxliv] [143]
Tuy nhiên, để cho việc cử hành đáp ứng các qui tắc và tinh thần của Phụng Vụ Thánh, Qui Chế Tổng Quát này và Lễ Qui đưa ra vài thích ứng và thích nghi, được giao cho sự phán đoán của Giám Mục giáo phận hay Hội Ðồng Giám Mục.
387. Giáo Mục giáo phận, với tư cách là đại tư tế của đoàn chiên mình, từ ngài xuất phát và tuỳ thuộc một cách nào đó sự sống của các tín hữu mình trong Chúa Kitô,[cxlv] [144]có nhiệm vụ cổ võ, điều phối và canh phòng đời sống phụng vụ trong giáo phận mình. Trong Qui Chế Tổng Quát này, ngài được giao cho việc điều phối kỷ luật về đồng tế (x. n. 202), ban hành các qui tắc về phận vụ trợ giúp vị tư tế nơi bàn thờ (x. n. 107), về việc phân phát rước lễ dưới hai hình (x. n. 284), về việc xây dựng và bố trí thánh đường (x. n. 291294). Nhưng trên hết ngài có bổn phận phát triển tinh thần phụng vụ thánh nơi các linh mục, phó tế và giáo dân.
388. Các thích nghi, được nói đến sau đây, cần được xác định với sự điều hợp rộng lớn bên trong Hội Ðồng Giám Mục, chiếu theo luật.
389. Trước hết, các Hội Ðồng Giám Mục có thẩm quyền cho soạn thảo và phê chuẩn bản dịch Sách Lễ Rôma trong tiếng địa phương để được dùng trong lãnh thổ mình, sau khi được Toà Thánh công nhận.
Sách Lễ Rôma phải được phát hành toàn bộ trong bản latinh hay trong bản dịch địa phương được phê chuẩn cách hợp pháp.
390. Các Hội Ðồng Giám Mục qui định các thích nghi và, sau khi được Toà Thánh công nhận, được đưa vào Sách Lễ. Việc thích nghi được làm trong những điều được cho phép trong Quy Chế Tổng Quát này và trong Lễ Qui Rôma, tức là:
Cử chỉ và điệu bộ thân thể của các tín hữu (xem trên, nn. 24, 43);
Cử chỉ tôn kính đối với bàn thờ và sách Tin Mừng (xem trên, n. 273);
Các bản văn bài ca nhập lễ, chuẩn bị lễ phẩm và hiệp lễ (xem trên, nn. 48, 74, 87);
Các bài đọc lấy từ Thánh Kinh trong những dịp đặc biệt (xem trên, n. 362);
Hình thức trao bình an (xem trên, n. 82);
Cách thức rước lễ (xem trên, nn. 160161, 284);
Chất liệu chế tạo bàn thờ và các vật dụng thánh, nhất là các bình thánh, và chất liệu, hình thức và màu sắc các phẩm phục phụng vụ (xem trên, nn. 301, 329, 332, 342, 345346, 349).
Các Hướng Dẫn và Huấn Thị mục vụ, mà Hội Ðồng Giám Mục xét là cần thiết, có thể được đưa vào Sách Lễ Rôma, ở chỗ thích hợp, sau khi được Toà Thánh công nhận.
391. Các Hội Ðồng Giám Mục phải lo sao cho bản dịch các bản văn Thánh Kinh dùng trong cử hành Thánh Lễ, được thực hiện với sự cẩn thận đặc biệt. Thật vậy, người ta trích từThánh Kinh các bài để đọc và để dẫn giải trong bài giảng, cũng như những thánh vịnh để hát. Cũng nhờ gợi hứng từ Thánh Kinh mà xuất phát các kinh, lời nguyện, công thức phụng vụ, đồng thời những động tác và các biểu hiệu cũng nhận lấy ý nghĩa từ Thánh kinh.[cxlvi] [145]
Nên dùng lối văn đáp ứng với sự nhận thức của tín hữu và thích hợp để được công bố, tuy nhiên phải giữ những đặc tính của những kiểu nói khác nhau được dùng trong các sách Thánh Kinh.
392. Các Hội Ðồng Giám mục cũng cẩn thận thực hiện việc dịch các bản văn khác, để, tuy vẫn giữ được bản chất của ngôn ngữ mình, ý nghĩa của bản văn bằng tiếng latinh được chuyển đạt cách đầy đủ và trung thành. Khi thực hiện việc này, phải chú ý đến các văn thể khác nhau được dùng trong Thánh Lễ, như lời nguyện của chủ tế, tiền xướng, tung hô, đáp ca, khẩn nài kiểu kinh cầu, vv...
Hãy luôn nhớ dịch các bản văn trước hết không phải để suy gẫm, nhưng để công bố hay hát trong hành vi phụng vụ.
Nên dùng lời văn thích hợp với các tín hữu trong vùng, tuy nhiên cũng phải có phẩm chất thanh cao và văn chương. Luôn luôn cần thiết phải giảng dạy về ý nghĩa Thánh Kinh và kitô giáo của vài từ và câu.
Trong những vùng sử dụng cùng một ngôn ngữ, nên đưa ra cùng một bản dịch, trong mức độ hết sức có thể, cho các bản văn phụng vụ, nhất là các bản văn Thánh Kinh và Lễ Qui.[cxlvii] [146]
393. Phải chú ý đến vai trò cao cả của hát ca trong cử hành, như là thành phần cần thiết hay trọn vẹn của phụng vụ.[cxlviii] [147] Các Hội Ðồng Giám Mục có quyền phê chuẩn những giai điệu thích hợp, nhất là cho các bản văn phần Thường Lễ, cho các lời đáp và tung hô của giáo dân, và cho các nghi thức đặc biệt xảy ra trong năm phụng vụ.
Các Hội Ðồng Giám Mục cũng xét xem nên chấp nhận hình thức âm nhạc, giai điệu, nhạc cụ nào trong việc thờ phượng thánh, vì chúng thích hợp hay có thể thích hợp với việc sửdụng thánh.
394. Mỗi giáo phận nên có lịch của mình và phần riêng các Lễ.[cxlix] [148] Về phần mình, Hội Ðồng Giám Mục nên làm một lịch riêng, hay cùng với những Hội Ðồng Giám Mục khác, đưa ra một lịch có thẩm quyền lớn hơn, sau khi được Toà Thánh chấp thuận.
Khi làm việc này, phải duy trì hết sức ngày Chúa Nhật sao cho các lễ kính, và các cử hành khác không được lấn át ngày Chúa Nhật, trừ phi thật sự là rất quan trọng.[cl] [149] Cũng lo sao đừng để năm phụng vụ được công nhận bởi sắc lệnh của Công Ðồng Vaticanô II bị che khuất bởi các yếu tố thứ yếu.
Khi làm lịch quốc gia, phải ghi các ngày Cầu Khẩn và Bốn Mùa, và có trước mắt hình thức và bản văn để cử hành những ngày này[cli] [150] và những đặc điễm riêng khác.
Khi phát hành Sách Lễ, nên đưa những cử hành riêng cho toàn thể quốc gia hay lãnh thổ lớn hơn vào chỗ những cử hành của lịch chung, còn những cử hành riêng cho vùng hay giáo phận thì để vào phần Phụ Lục đặc biệt.
395. Sau cùng, nếu sự tham dự của các tín hữu và lợi ích thiêng liêng của họ đòi hỏi có những thay đổi và thích nghi sâu rộng hơn, hầu cử hành thánh đáp ứng với não trạng và truyền thống của các dân tộc khác nhau, các Hội Ðồng Giám Mục có thể đề nghị chúng lên Toà Thánh, theo đúng qui tắc của số 40 Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh, để sau khi được Toà Thánh chấp thuận, thì đưa vào, nhất là đối với các dân tộc vừa mới được rao giảng Tin Mừng.[clii] [151] Nên cẩn thận tuân giữ những qui tắc đặc biệt được đưa ra trong Huấn Thị"Phụng Vụ Rôma và hội nhập văn hoá".[cliii] [152]
Về cách tiến hành trong vấn đề này, nên giữ các điều sau đây:
Trước hết, đề nghị dự kiến phải được trình bày chi tiết cho Toà Thánh, để, sau khi được năng quyền phải có, có thể tiến hành soạn thảo các thích nghi.
Sau khi các đề nghi này được Toà Thánh chấp thuận đúng thủ tục, thì thực hiện các thí nghiệm trong thời gian và nơi chốn qui định. Nếu, thời gian thí nghiệm đã mãn, Hội Ðồng Giám Mục quyết định theo đuổi các thích nghi ấy, thì đệ trình hình thức chín mùi của sự việc lên Toà thánh cứu xét.[cliv] [153]
396. Tuy nhiên, trước khi thi hành những thích nghi mới, nhất là sâu rộng hơn, phải lo liệu hết sức cho các giáo sĩ và giáo dân được huấn luyện tử tế và việc này phải tiến hành cách khôn ngoan và trong trật tự, cho các năng quyền đã dự kiến mang lại hiệu quả, và các qui tắc mục vụ, đáp ứng với việc cử hành thiêng liêng, được áp dụng đầy đủ.
397. Do đó, phải giữ nguyên tắc theo đó bất cứ một Giáo Hội địa phương nào phải đồng tâm nhất trí với Giáo Hội toàn cầu không những về giáo lý đức tin và các dấu chỉ bí tích, mà còn về các thói tục đã được chấp thuận phổ quát từ thời các Tông Ðồ và được lưu truyền liên tục; chúng đã được duy trì chẳng những để tránh các sai lầm, mà còn để chuyển giao đức tin toàn vẹn, vì luật cầu nguyện của Hội Thánh đáp ứng với luật đức tin.[clv] [154]
Nghi Lễ Rôma tạo thành phần thanh cao của kho tàng phụng vụ và gia sản của Hội Thánh Công Giáo, mà sự phong phú giúp ích cho Hội Thánh toàn cầu, cho nên nếu thiếu sẽ gây hại nghiêm trọng.
Nghi Lễ này theo dòng các thế kỷ không những đã phục vụ cho các thực hành phụng vụ xuất phát từ thành Rôma, mà còn du nhập cách sâu xa, có tổ chức và hòa hợp các thực hành phụng vụ khác, phát sinh từ những tập tục và năng khiếu của các dân tộc khác nhau và của các Hội Thánh riêng đa dạng ở Tây phương cũng như Ðông phương, và như vậy đạt được một tính cách siêu vượt giới vùng. Trong thời đại chúng ta, căn tính và cách diễn tả thống nhất của Nghi Lễ này được gặp thấy trong các bản mẫu của các sách phụng vụ được ban bố do quyền của Ðức Giáo Hoàng và trong các sách phụng vụ tương ứng được các Hội Ðồng Giám Mục chấp thuận cho lãnh thổ mình và được Toà Thánh nhìn nhận.[clvi] [155]
398. Qui tắc do Công Ðồng Vaticanô II đưa ra, theo đó không được làm các đổi mới trong cải tổ phụng vụ nếu lợi ích thật sự và chắc chắn của Hội Thánh không đòi hỏi như thế, và phải cẩn trọng để cho những hình thái mới được triển nở, một cách nào đó, có hệ thống từ những hình thái sẵn có,[clvii] [156] qui tắc đó cũng phải được áp dụng cho chính việc hội nhập văn hoá của Nghi Lễ Rôma.[clviii] [157] Ngoài ra, việc hội nhập văn hoá đòi hỏi phải có nhiều thời gian, để truyền thống phụng vụ đích thực không bị làm tổn hại cách vội vả và bất cẩn.
Hơn nữa, yêu cầu hội nhập văn hoá không hề nhắm đến việc tạo ra những gia đình nghi lễ mới, nhưng khảo sát những đòi hỏi của nền văn hoá đó để các thích nghi được đưa vào Sách Lễ hay trong các sách phụng vụ khác ăn khớp, chứ không phải làm hại đặc tính của Nghi Lễ Rôma.[clix] [158]
399. Vì thế, Sách Lễ Rôma, dù được sử dụng trong nhiều ngôn ngữ khác nhau và trong sự đa dạng các tập tục,[clx] [159] vẫn phải được dùng như khí cụ và dấu chỉ sáng ngời của sự toàn vẹn và thống nhất của Nghi Lễ Rôma.[clxi] [160]
Ý Cầu Nguyện Tháng 12
“CẦU NGUYỆN CHO NHỮNG NGƯỜI HÀNH HƯƠNG HY VỌNG"
Chúng ta hãy cầu nguyện để Năm Thánh mở ra cho chúng ta sự tăng cường về đức tin, giúp chúng ta nhận biết Đức Kitô phục sinh ở giữa cuộc đời chúng ta, biến đổi chúng ta thành những người hành hương đầy hy vọng Kitô giáo.
Giải Đáp Hôn Nhân & Gia Đình
Hạt Giống Đức Tin
Chuyên Đề
Đang Online
We have 113 guests and no members online
- 311/14/9 Đường 30/4, P. Phú Thọ,
Tp. Thủ Dầu Một, T. Bình Dương - This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
- 0274 3822 586
- mfvietnam.org