Giáo hội phân biệt giữa tội và tội nhân. Giáo hội không dung túng, bao che cho tội nhưng luôn muốn bảo vệ danh dự và nhân phẩm của người phạm tội.

TỈNH THỨC VÀ PHÂN ĐỊNH TRƯỚC CÁC VẤN ĐỀ CỦA GIÁO HỘI

Trong những năm qua, một vấn đề nổi cộm làm nhức nhối tâm can nhiều người là sự vụ các giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em. Những tố cáo đã bùng nổ lớn tại tất cả các Giáo Phận. Đặc biệt, vụ Đức Hồng Y George Pell bị tố cáo lạm dụng tính dục trẻ em đã gây rúng động Giáo hội. Truyền thông báo chí đã ghép tội hàng Giáo Phẩm đã bao che (cover-up) cho những giáo sĩ bị tố cáo. Đức tin và lòng tin vào hàng giáo phẩm của Kitô hữu dường như bị lung lay và khủng hoảng. Gần đây nhất, vấn đề truyền chức của Cha Gioan Baotixita Hồ Hữu Hòa đang được dư luận quan tâm và dấy liên nhiều quan điểm trái chiều trong cộng đồng Kitô hữu. Trước những vấn đề nhức nhối của Giáo hội, chúng ta cần có thái độ và phản ứng như thế nào? Và đâu là bài học đáng để chúng ta quan tâm?

Năm 2017, Đức Hồng Y George Pell bị tố cáo về hai cáo buộc về lạm dụng tính dục trẻ em vào năm 1996 và 1997 khi ngài đang là Tổng Giám Mục Melbourne. Tháng 7/2017, Đức Hồng Y rời Vatican để ra tòa tại Úc vì các cáo buộc này. Phiên toà đầu tiên diễn ra vào tháng 12/2017, Tòa án Melbourne đã đưa ra phán quyết buộc tội Đức Hồng Y, với bản án 6 năm tù. Từ đó ngài bị biệt giam. Ở phiên toà kháng cáo đầu tiên, các thẩm phán tiếp tục buộc tội Đức Hồng Y. Tuy nhiên, để chứng minh vô tội, Đức Hồng Y kháng cáo lên Toà Tối cao Úc. Ngày 07/4/2020, các thẩm phán của Toà án Tối cao Úc đã thông báo quyết định đảo ngược phán quyết kết tội Đức Hồng Y George Pell về tội lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên của tòa cấp dưới, tuyên bố ngài vô tội và ngài được trả tự do ngay lập tức.[1]

Cha Gioan Baotixita Hồ Hữu Hòa đã lãnh Thánh Chức Phó tế vào ngày 08/9/2022, và sau đó, tại Giáo phận Maasi, và đã được thụ phong Thánh Chức Linh mục vào ngày 07/12/2022 cho Giáo phận Vinh. Việc truyền chức này đã tuân theo các thủ tục giáo luật thông thường, đặc biệt là việc đệ trình các Uỷ nhiệm thư cần thiết được ký bởi Đức Cha Anphongsô Nguyễn Hữu Long, Giám mục Giáo phận Vinh, được đóng dấu của Tòa Giám mục, và được xác nhận bởi Linh mục Giêrađô Nguyễn Nam Việt, Chưởng ấn. Nhưng Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long, giám mục giáo phận Vinh đã minh định về sự việc này bằng văn thư: “Không hề có sự việc tôi ký tên vào văn thư ủy nhiệm cho đức cha Precioso D. Cantillas, giám mục giáo phận Maasin (Philippines), cũng như ký tên vào bất cứ một văn bản nào liên quan đến việc đào tạo và chứng thực tư cách để anh GB. Hồ Hữu Hòa lãnh nhận thánh chức. Văn thư ủy nhiệm được đọc trong lễ phong chức linh mục và những văn thư nào khác đều là giả mạo, ngụy tạo.”[2]

Thứ nhất, tự bản chất Hội Thánh là thánh thiện do nguồn mạch từ Thiên Chúa duy nhất là Cha, Con và Thánh Thần. Nhưng Hội Thánh là một tổ chức hữu hình trần thế và mang trong mình thân phận yếu đuối, dễ sai lầm. Trong lịch sử, đã có những lúc giáo hội sai lầm và khủng hoảng. Và ngày nay, hay bất cứ khi nào, Giáo hội cũng có thể có những người hữu trách bất toàn, những thành viên sai phạm nhưng điều đó không có nghĩa là giáo hội mất đi sự thánh thiện tự bản chất. Đức Ki-tô là Đấng “thánh thiện, vẹn toàn, không tì ố” (Dt 7,26), không hề phạm tội (x. 2 Cr 5,21), chỉ đến để đền tội cho dân (x. Dt 2,17), thì Giáo Hội lại luôn có những tội nhân, vừa thánh thiện vừa luôn cần được thanh tẩy, nên không ngừng bước theo con đường sám hối và canh tân.[3] Giáo hội “thánh thiện cách bất khả khuyết” vì tình yêu của Ðức Kitô trung thành[4]; nhưng “vì ôm ấp vào trong lòng mình cả những kẻ có tội, nên Giáo hội vừa thánh thiện mà cũng vừa phải không ngừng thanh luyện chính mình”[5]. Giáo hội vẫn không ngừng canh tân, cầu nguyện để mỗi ngày một hoàn thiện trong tình thương của Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì thế, đứng trước những vấn đề khủng hoảng của Giáo hội, cụ thể là vấn đề lạm dụng tính dục trong thời gian qua hay vấn đề phong chức cho Hồ Hữu Hòa, trước hết, mọi người cần có thái độ bình tĩnh, nhẫn nại, ôn hòa và đặc biệt là phó thác vào Chúa, tin tưởng vào những người có thẩm quyền. Chúa sẽ hướng dẫn Giáo hội đi trong đường lối và ánh sáng của Người. Hãy tin tưởng vào quyền năng của Chúa Thánh Thần. Những người có thẩm quyền, chức trách sẽ có những phương cách thấu tình đạt lý để giải quyết một cách ổn thỏa, công bằng trong sự thật và chân lý.

Thứ hai, Giáo hội phân biệt giữa tội và tội nhân. Giáo hội không dung túng, bao che cho tội nhưng luôn muốn bảo vệ danh dự và nhân phẩm của người phạm tội. Chính vì thế mà có những vấn đề, sự tình bên trong (thuộc tòa trong) mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu được và không bao giờ được công bố ra bên ngoài. Không có bất cứ người nào, tổ chức nào có thể ép buộc người khác nói ra những điều liên quan đến ấn tín bí tích. Chính vì thế, có những vấn đề lớn, người trong cuộc biết rõ sự tình nhưng buộc phải giữ bí mật mặc cho những người ngoài cuộc hiểu lầm, lên án, chỉ trích. Vì tôn trọng và giữ gìn phẩm giá cho đương sự nên những người hữu trách không thể công khai những tội của họ. Vì thế, việc làm cần thiết và quan trọng cho mỗi người là cầu nguyện cho các đương sự đang gặp vấn đề khó khăn, khủng hoảng đó và hiểu cho những người có thẩm quyền đang giải quyết vấn đề đó. Chúng ta cầu nguyện để họ có thể phân định, chọn lựa và can đảm sống với chọn lựa đó dưới ánh sáng soi dẫn của Chúa Thánh Thần. Chúng ta cầu nguyện cho họ can đảm, mạnh mẽ chấp nhận những sự vu khống, tố cáo. Và nếu họ có những thiếu sót, sai lầm, chúng ta lại càng phải cầu nguyện cho họ để họ thẳng thắn, dứt khoát chấp nhận và sửa sai.

Thứ ba, Giáo hội không thể làm thỏa mãn tất cả mọi người bằng cách nêu ra hết những lý do dẫn tới sai phạm của một người. Giáo hội cũng không thể công khai những bằng chứng xác thực để tố cáo người đó theo yêu cầu của những người ngoài cuộc. Đồng ý rằng, tất cả các thành viên đều có sự liên đới với nhau trong sự hiệp thông của giáo hội. Họ có quyền được biết và nắm bắt được tình hình chung của Giáo Hội để họ cầu nguyện và chia sẻ với các vấn đề nóng bỏng của Giáo Hội. Nhưng việc công khai mọi sự lên mạng xã hội là con dao hai lưỡi. Những người hiểu và cầu nguyện cho giáo hội cũng nhiều nhưng những thành phần cơ hội, lăm le chống phá, chỉ trích cũng không ít. Đằng sau một sự kiện, một vấn đề, đôi khi là cả một âm mưu, một kế hoạch đã được sắp xếp kín kẽ, tỉ mỉ nhằm hạ bệ, bôi nhọ, và phá hoại của một tổ chức nào đó. Việc không công khai những lý do, bằng chứng không có nghĩa là giáo hội dung túng, bao che cho những người sai phạm. Giáo hội đủ khôn ngoan để có thể giải quyết một cách thấu tình đạt lý, ôn hòa và đặt tình thương lên trên hết.

Vì thế, đứng trước những làn sóng dư luận, những bài viết mang tính lên án chỉ trích trên truyền thông, chúng ta cần có sự khôn ngoan, sáng suốt để phân định. Khi không có cơ sở để xác minh những thông tin được được, nghe được thì chúng ta có thể dựa vào những tuyên bố, phát ngôn của những người có thẩm quyền trong Giáo hội ở các kênh, trang web chính thức được Giáo hội tin tưởng và phê chuẩn. Chúng ta cần trách tình trạng tham gia vào các diễn đàn mạng xã hội, trang web để bình luận, phê phán, chỉ trích hay có thể là biện hộ một cách thái quá với những lời lẽ, ngôn từ gây ngộ nhận, hiểu lầm hay chia rẽ. Cuối cùng, hãy cẩn thận với những cú click chuột, những việc đăng, chia sẻ các bài viết của một số người. Trước khi đăng hay chia sẻ bất cứ điều gì, hãy tự hỏi điều đó giúp ích gì cho tôi? Cho người đọc nó? Trên quan điểm người đọc, nó sẽ ảnh hưởng như thế nào?... Bởi vì điều tôi tưởng chừng sẽ giúp ích cho rất nhiều người dựa trên cách nhìn của tôi, nhưng thực tế, trên quan điểm người khác, nó lại gây ra những hiểu lầm, xung đột, thậm chí có thể là phương tiện để những người khác lợi dụng công kích và chống phá Giáo Hội.

Thứ tư, đối với những người có thẩm quyền, cần có những định chế, chế tài nghiêm khắc để xử lý những sai phạm ngay từ đầu nhằm răn đe và giáo huấn. Giáo Hội cần điều tra rõ ràng trong ánh sáng và sự thật để mạnh tay xử lý những trường hợp sai phạm. Và để giải quyết một cách triệt để và lâu dài, cần có những phương cách đào tạo, xét duyệt các tiến chức một cách kỹ lưỡng và cẩn thận ngay từ đầu. Việc tuyển chọn một ơn gọi linh mục trước hết và trên hết là trách nhiệm của giám mục, và nhà đào tạo, đối với Thiên Chúa và Giáo Hội, nên các ngài có trách nhiệm phải tuân theo những hướng dẫn của Giáo Hội về những tiêu chuẩn tuyển chọn ứng sinh linh mục vì “lợi ích của chính ứng viên, và để đảm bảo rằng Giáo Hội luôn có những linh mục phù hợp, những mục tử chân chính theo ý muốn nhân lành của Chúa Kitô.” Cụ thể, các chủng sinh phải được chuẩn bị bước theo Chúa Kitô với tinh thần quảng đại và tâm hồn trong trắng, nhờ một nền giáo dục tôn giáo đặc biệt, nhất là sự linh hướng thích hợp.[6] Phải tùy theo lứa tuổi và trình độ của mỗi ứng sinh mà điều tra cẩn thận về ý ngay lành và ý chí tự do, về khả năng đạo đức, luân lý và học vấn, về sức khỏe thể lý và tâm lý xứng hợp, đồng thời cũng cần để ý đến những khuynh hướng có thể là do gia truyền.[7]

Thứ năm, Thiên Chúa yêu thương và tha thứ hết mọi tội lỗi nhưng Thiên Chúa cũng công bình và nghiêm minh xét xử. Giáo Hội thánh thiện nhưng cũng có điều hành bởi những con người mang trong mình sự yếu đuối, bất toàn. Và bổn phận của mỗi người là cần phải xây dựng và phát triển Giáo Hội ngày càng thánh thiện hơn bằng chính việc sống ơn gọi nên thánh của mình, được thể hiện bằng việc nỗ lực tiến tới sự hoàn thiện, thực hành đức bác ái và thường xuyên hoán cải canh tân. Vì thế, tất cả các Ki-tô hữu, dù trong hoàn cảnh hay bậc sống nào, cũng đều được Chúa kêu gọi, để mỗi người mỗi cách, vươn tới sự thánh thiện trọn hảo như chính Chúa Cha là Đấng trọn lành. Đầu tiên, khi được kết hiệp mật thiết vào sự sống và sứ mệnh của Người, người chúng ta cung hiến thế giới cho Thiên Chúa khi phụng thờ Ngài khắp nơi bằng một đời sống thánh thiện.[8] Ngay cả trong những công việc trần thế, chúng ta phải giúp nhau sống thánh thiện hơn, sao cho thế giới được thấm nhuần Thần Khí của Đức Ki-tô và có khả năng đạt đến cứu cánh của mình trong công bình, bác ái và bình an.[9]

Tóm lại, Giáo Hội vẫn sống giữa các thụ sinh tới nay còn rên siết và quằn quại trong cơn đau đớn lúc sinh con, và mong đợi con cái Thiên Chúa xuất hiện (x. Rm 8,19-22). Và để dung mạo của Giáo Hội không bị méo mó, biến dạng kinh dị, Đức Giêsu đã ban cho các môn đệ, tức những người tin vào Ngài, những thành viên của Giáo Hội “một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34). Vì thế, thay vì chỉ trích tổ chức, Giáo Hội, phê phán người có thẩm quyền, lên án những sai lầm, khuyết điểm, hãy làm một điều gì đó bé nhỏ để thay đổi chút gì đó nhỏ bé, hãy hoàn thành tốt trách nhiệm của bản thân trước đã. Thay vì bình luận, ném đá trên các diễn đàn, các trang mạng xã hội, hãy chia sẻ những thông điệp bé nhỏ, bổ ích, thiết thực cho mọi người để thay đổi những thành viên khác. Với sự giới hạn của cá nhân, lời cầu nguyện thì thiết thực hơn là lời chỉ trích, tin tưởng vào quyền năng và ơn soi dẫn của Thần Khí thì hơn là bước đi dưới những lời phê phán. Giáo hội thánh thiện cần sự chung tay dựng xây của tất cả mọi người bằng lời cầu nguyện trong sự tín thác, những suy nghĩ tích cực dưới ánh áng của Thần Khí, hành động yêu thương trong Đức Kitô.

Bình An

 

 

[1] NGỌC YẾN, Đức Hồng Y George Pell qua đời, trong https://www.vaticannews.va.html truy cập ngày 27/03/2023.

[2] ANPHONG NGUYỄN HỮU LONG, Minh định về sự việc liên quan đến anh gb. Hồ Hữu Hòa, trong https://hdgmvietnam.com/50267 truy cập ngày 27/03/2023.

[3] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế Tín lý về Giáo Hội, số 8.

[4] CĐ VATICANÔ II, Hiến chế Tín lý về Giáo Hội, số 39.

[5] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế Tín lý về Giáo Hội, số 8.

[6] CĐ VATICANÔ II, Sắc lệnh đào tạo linh mục, số 3.

[7] CĐ VATICANÔ II, Sắc lệnh đào tạo linh mục, số 6.

[8] CĐ VATICANÔ II, Hiến chế Tín lý về Giáo Hội, số 34.

[9] CĐ VATICANÔ II, Hiến chế Tín lý về Giáo Hội, số 36.

Ý Cầu Nguyện Tháng 10

“CẦU NGUYỆN CHO SỨ MẠNG ĐƯỢC CHIA SẺ"

Chúng ta hãy cầu nguyện để Giáo hội được tiếp tục nâng đỡ bằng tất cả những phương thức có thể, một lối sống công nghị, việc đồng trách nhiệm, thúc đẩy sự tham gia, sự hiệp thông và chia sẻ sứ mạng giữa các linh mục, tu sĩ và giáo dân.

Giải Đáp Hôn Nhân & Gia Đình

Số 09 – Ngăn Trở Tiêu Hôn - P2
  Giải Đáp Hôn ...
Số 08 – Ngăn Trở Tiêu Hôn
Giải Đáp Hôn Nhân ...
Ly Thân Theo Giáo Luật-Giải Đáp Hôn
Giải Đáp Hôn Nhân ...

Hạt Giống Đức Tin

HẠT GIỐNG ĐỨC TIN 89
Giống như khi Chúa ...
HẠT GIỐNG ĐỨC TIN 88
Chúng ta thường ...
HẠT GIỐNG ĐỨC TIN 87
Thánh Giáo hoàng ...
  • 311/14/9 đường 30/4, P.Phú Thọ,
    Tp Thủ Dầu Một, Bình Dương
  • This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
  • 0274 3822 586
  • mfvietnam.org