Con ve kia, sau những ngày tháng ngủ đông, giờ đây bật lên tiếng kêu râm ran. Cây phượng sau bao ngày thay màu đổi lá, giờ cho ra những bông hoa đỏ rực cả bầu trời.

Sau cơn mưa, đất trời như bừng sáng đón chào những tia nắng ấm. Đâu đây, trong làn gió nhẹ khẽ thơm ‘Mùi Thánh Hiến’. Tất cả dường như báo hiệu một ‘Mùa Dâng Hiến’ đang bước vào mùa gặt.

Những bài thánh ca về thánh hiến dường như được viết để dành riêng cho tháng 7, bởi đâu đây, trong các ngôi thánh đường, các nhà nguyện của các dòng tu, chúng ta không khó bắt gặp những bài hát thánh hiến được vang lên một cách tâm tình, đầy ấm cúng. “Từng bước con đi lên, hồn lâng lâng thần nhạc trầm lắng Chúa ơi”, hay “Chẳng phải con đã chọn Ngài nhưng chính Ngài gọi con trước đó...” Những giai điệu đó thật là đẹp, thật là ý nghĩa, và nó có sức nâng tâm hồn, dìu bước chân người tu sĩ can đảm bước lên hiến dâng cuộc đời mình cho người bạn tình Giêsu.

  Vậy, người tu sĩ họ là ai mà lại dám hiến dâng cuộc đời mình cho Thiên Chúa? Chúa nói: “Hãy dành riêng Ba-na-ba và Sao-lô cho Ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm” (Cv 12, 24-13,5a). Tu sĩ là con người như bao nhiêu người khác, họ bước vào đời mang trong mình những yếu đuối của phận người, cũng có những bóng đêm trong thẳm sâu chính mình, đầy tội lỗi và bất toàn. Thế nhưng, Thiên Chúa lại kêu gọi họ đi vào trong cuộc tình hiến dâng với Ngài. Thiên Chúa gọi và họ đáp trả lại tiếng mời gọi đó. Qua lời đáp trả, Thiên Chúa tách họ ra, đưa họ lên núi và cho họ ở lại với Ngài. Ở lại với Thiên Chúa trong một cõi rất riêng tư, người tu sĩ được Thiên Chúa cắt tỉa, uốn nắn. Ngài cắt tỉa những tham sân si, cắt tỉa những suy nghĩ rất đời, những hành động rất người nơi chính con người của người tu sĩ. Thanh Âu Tinh từ một con người đầy bất toàn, khiếm khuyết và tội lỗi, thế nhưng nhờ lời cầu nguyện của mẹ ngài mà Thiên Chúa đã cắt tỉa những dục vọng, những toan tính, những nhốn nhăng nơi con người của ngài. Từ đó, Thiên Chúa làm mới lại con người, quả tim của thánh Âu Tinh, để ngài say mê, yêu mến và hiến thân chính mình ngài cho Thiên Chúa . Đôi khi có những cắt tỉa khiến họ nhói đau, như: những ước muốn công chính, những khao khát dấn thân mạnh mẽ, những công việc lành thánh... Người tu sĩ vẫn chấp nhận để đi vào trong một tinh thần, một sứ mạng chung của chính hội dòng mà Thiên Chúa mời gọi họ dấn thân. Ở lại với Chúa trong một cõi thinh không trầm lắng, người tu sĩ được cảm nếm tình yêu ngọt ngào từ trái tim nhân từ của Thiên chúa, được học biết nơi Ngài cách yêu thương mọi người, một tình yêu không biên giới, không khoảng cách và yêu cho đến cùng, tận thẳm sâu của chính mình Ngài.

   Không chỉ thế, một khi được sống, được cảm nếm về Người, người tu sĩ xác quyết một cách mạnh mẽ “Này con đây, con thuộc về Chúa”, để từ đây người tu sĩ hiên ngang, can đảm hiến dâng toàn bộ con người mình cho Chúa, qua việc tuyên khấn tuân giữ ba lời khuyên Tin Mừng: “Nghèo khó, Khiết tịnh và Vâng phục”. Với lời khấn Nghèo khó, người tu sĩ đặt mình trong sự quan phòng của Thiên Chúa, sống nghèo khó trong cách sử dụng các tiện nghi. Qua lời khấn Khiết tịnh, người tu sĩ hiến thân toàn bộ con người mình cho Thiên Chúa. Và với lời khấn Vâng phục, người tu sĩ luôn vâng phục Thiên Chúa một cách tuyệt đối, vâng phục các bề trên của mình là người thay mặt Chúa ở trần gian này. Ngang qua ba lời khuyên Tin Mừng, người tu sĩ không còn sống cho chính mình nữa, nhưng họ mạnh dạn quả quyết như thánh Phaolô “Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Cuộc sống của người tu sĩ từ nay “sống là Đức Kitô, còn chết là một mối lợi” (Pl 1,18-26). Lẽ đó, “Ai có thể tách người tu sĩ ra khỏi tình yêu của Đức Kitô. Phải chăng là gian truân, phải chăng là nguy nan, phải chăng là bắt bớ. Cho dầu là sự chết, cho dù là sự sống hiện tại hay tương lai” (Rm 8, 35). Qua đó, người tu sĩ mở ra tận thẳm sâu con người mình để đạt đến “Siêu Việt”.

   “Ở lại với Chúa để được Người sai đi” (Mc 3,13-19). Người tu sĩ được mời gọi đi xuống núi, được mời gọi nhập thế trong cuộc đời này. Họ không thể dựng lều trên núi Tabo, không thể ẩn mình trong bốn bức tường an toàn của tu viện, nhưng được mời gọi đi đến vùng ngoại biên. Đó là lời mời gọi của Chúa, là sứ mạng của Giáo hội và là tinh thần, sứ vụ của người tu sĩ. Để thi hành sứ mạng Chúa trao, và sống đúng bản chất của mình, người tu sĩ phải trung thành noi gương Thầy mình, phải ra đi rao giảng Tin mừng cho mọi người, mọi nơi, mọi dịp, không do dự, không miễn cưỡng hay sợ hãi. “Người tu sĩ phải ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng ‘ngoại vi’ đang cần ánh sáng Tin mừng”. Đức Thánh Cha Phanxicô từng nói: “Chúng ta hãy đi ra, đi ra để cống hiến cho mọi người sự sống của Chúa Giêsu Kitô… Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình. Tôi không muốn một Hội thánh chỉ lo đặt mình vào trung tâm để rốt cuộc bị mắc kẹt trong một mạng lưới các nỗi ám ảnh và các thủ tục”. Quả thế, người tu sĩ phải quảng đại đáp trả, can đảm thoát ra và nhanh chóng lên đường dẫu có phải bầm dập, bắt bớ hay phải hiến mạng vì thầy Giêsu.

   Nếu Phật giáo với niềm mong ước về một đấng siêu tôn để cứu giúp họ, họ đã tôn kính đức phật Di Lặc có đôi tai to để nghe hết những khổ đau của chúng sinh, có cái bụng to để mang hết những đớn đau của chúng sinh vào mình, từ đó với khuôn mặt vui tươi, Di Lặc muốn gửi trao vào nhân gian niềm vui và hạnh phúc, thì mỗi người tu sĩ là một sứ giả của niềm vui, người mang Chúa đến cho người khác. Đặc biệt, trong một thế giới đầy biến động và bất an bởi dịch bệnh đang gây ra cho con người, thì lời mời gọi của Giáo hội càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Ngày 12 tháng 7 vừa qua, văn phòng Tu sĩ Tổng Giáo phận Sài Gòn đã mời gọi các tu sĩ thuộc các hội dòng, các tu đoàn tham gia Nhóm tu sĩ thiện nguyện hỗ trợ các nhân viên y tế Sài Gòn nhằm ngăn chặn, đẩy lùi cơn đại dịch và trợ giúp những người đang gặp khó khăn. Chắc chắn sẽ có nhiều tu sĩ dấn thân đáp lại lời mời gọi này như nhiều tu sĩ đã và đang phục vụ, trợ giúp và hiến thân tại các vùng miền khác nhau. Nhìn lại và rảo quanh cuộc sống, chúng ta sẽ thấy đáp trả lời mời gọi đó, trên các con đường “Calcutta” luôn thấp thoáng xuất hiện bước chân của người tu sĩ. Ở đâu có những người nghèo bị bỏ rơi, đã có bước chân của các nữ tu bác ái Chúa Kitô đến để băng đó, để đưa về và chữa lành. Ở đâu có các trẻ em lang thang, ở đó có dấu chân của các tu sĩ Don Bosco đồng hành, chỉ dẫn và hướng dẫn các em. Ở đâu có bất công và công lý bị bóp méo, ở đó có tiếng nói của các tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế lên án để bảo vệ công lý, đòi lại chân lý cho mọi người. Ở đâu có các linh mục, tu sĩ gặp khó khăn về đức tin, những con chiên lạc xa đức tin, thì ở đó đã có cánh tay của người tu sĩ Thừa Sai Đức Tin băng bó, nâng đỡ, và giúp họ giữ vững đức tin của mình. Trên cách đồng truyền giáo, bước chân người tu sĩ bước đi không ngừng nghỉ để ở nơi đâu có oán ghét hận thù ở đó có tu sĩ xây dựng tình thương. Ở nơi nào có khinh khi nhục mạ ở đó có tu sĩ mang lại thứ tha. Nơi nào có mâu thuẫn bất công ở đó có tu sĩ hòa giải. Nơi nào có giả dối, nơi đó có tu sĩ hiện diện để rao truyền chân lý. Nơi nào có nản chí sờn lòng, ở đó có người tu sĩ gieo niềm hy vọng. Và nơi nào có u sầu buồn bã, ở đó có tu sĩ đem lại an vui, bởi ở đâu có tu sĩ ở đó có niềm vui.

  Lạy chúa cuộc đời con, thân xác con, tâm trí con và cả những tội lỗi của con nữa, con xin hiến trao cho Chúa. Ước nguyện và toàn thân con dâng cho Chúa như lời bài hát Chính Chúa Chọn Con của nhạc sĩ Hồng Bính: Xin Chúa dùng con theo thánh ý của Ngài để con có thể làm tay chân cho người què cụt, làm tai cho người bị điếc; và xin dùng đôi mắt của con cho người bị mù. Lạy Chúa, xin gởi con đi tới mọi miền, để con đem cơm cho người nghèo hèn, tặng nước cho người còn khát. Xin gởi con vào khắp muôn nhà, tặng thuốc thang cho người bệnh tật, tặng chiếu chăn cho người lạnh co. Xin gởi con ra khắp nẻo đường, bàn tay nâng ánh đèn dọi đường, tỏa lửa ấm cho người lạnh giá. Xin gởi con ra khắp nẻo đường, cảm thông chia vui buồn phận người, và sớt chia cho đời niềm vui. Xin gởi con vào khắp thôn làng, ủi an trao cho người khổ sầu, gợi lòng tin cho người buồn chán. Xin gởi con vào khắp buôn làng, niềm vui trao những người buồn phiền, người lắng lo xin gởi bình an. Amen.

Tu sĩ Gioan B. Nguyễn Thanh Hà, MF

Ý Cầu Nguyện Tháng 4

“CẦU NGUYỆN CHO VAI TRÒ CỦA NHỮNG NGƯỜI NỮ

Chúng ta hãy cầu nguyện để phẩm giá và sự phong phú của những người nữ được nhận biết trong tất cả các nền văn hoá, để không còn sự phân biệt đối xử mà họ là những nạn nhân ở nhiều nơi trên thế giới.

Giải Đáp Hôn Nhân & Gia Đình

Số 09 – Ngăn Trở Tiêu Hôn - P2
  Giải Đáp Hôn ...
Số 08 – Ngăn Trở Tiêu Hôn
Giải Đáp Hôn Nhân ...
Ly Thân Theo Giáo Luật-Giải Đáp Hôn
Giải Đáp Hôn Nhân ...

Hạt Giống Đức Tin

HẠT GIỐNG ĐỨC TIN 89
Giống như khi Chúa ...
HẠT GIỐNG ĐỨC TIN 88
Chúng ta thường ...
HẠT GIỐNG ĐỨC TIN 87
Thánh Giáo hoàng ...
  • 311/14/9 đường 30/4, P.Phú Thọ,
    Tp Thủ Dầu Một, Bình Dương
  • This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
  • 0274 3822 586
  • mfvietnam.org