Chúng ta từng chứng kiến nhiều cái chết: có cái chết là chấm hết của cuộc đời, nhưng cũng có cái chết mang lại sự sống cho người khác.

 SỐNG NHÂN ĐỨC CAN ĐẢM THEO GƯƠNG CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Đó là cái chết “can đảm” của các thánh Tử Đạo, “máu của các ngài là hạt giống nảy sinh các Kitô hữu”. Trong lịch sử nhân loại, người môn đệ của Chúa luôn chịu chung một số phận với Thầy Giêsu, nghĩa là bị bắt bớ, bị ghét bỏ và bị giết chết.

Bởi vì, thế gian ghét đạo nên thời nào cũng có những vị Tử Đạo. Hàng vạn con người đã ngã xuống do sự thù ghét: ghét Chúa và ghét luôn người môn đệ Chúa. Trong số những người đã ngã xuống có các thánh Tử Đạo Việt Nam. Các Ngài là tấm gương anh dũng và trung thành vì đức tin. Hôm nay, anh em chúng ta cùng tìm hiểu nhân đức can đảm theo gương các thánh Tử Đạo Việt Nam.

Kể từ khi Hạt giống đức tin được gieo vào mảnh đất quê hương Việt Nam, Giáo hội Việt Nam đã trải qua biết bao cuộc bách hại. Bách hại gắt gao nhất là từ thời hậu Lê đến thời nhà Nguyễn. Sắc dụ cấm đạo đầu tiên được ban hành năm 1625, kéo dài đến hết năm 1886. Trong suốt những năm bị bách hại, có hàng ngàn người ngã xuống, hàng ngàn người âm thầm bảo vệ đức tin; nhưng chỉ có 118 vị được ghi tên trong sổ bộ các thánh, gồm 117 thánh Tử Đạo và một Chân phước. Dù được ghi vào sổ bộ các thánh hay không thì những chiến sĩ đức tin vẫn thể hiện nhân đức can đảm. Vấn đề ở đây là: Can đảm là gì mà nó trở thành nhân đức?

Theo Thánh Tôma Aquinô, can đảm là một nhân đức (virtus): cho phép con người hành động phù hợp với trí năng ngay thẳng. Nhân đức can đảm là một thể cách ý thức đương đầu với các sự nguy hiểm và chịu đựng mọi khó khăn vất vả. Vì thế, nhân đức can đảm được xem là một nhân đức trụ vì có thể chất nhất định (Materiam determinatam haben). Theo đó, hành vi cao nhất của nhân đức can đảm là tử đạo. Khi người ta hy sinh mạng sống để theo đuổi chân lý và công lý, đó là can đảm. Tử đạo là chứng cớ tuyệt vời nhất của đức ái hoàn hảo. “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Tuyệt vời là bởi vì động cơ của nhân đức can đảm xuất phát từ tình yêu Thiên Chúa và vì công lý. Chính vì Thiên Chúa và công lý mà người ta sẵn sàng hy sinh chấp nhận cái chết.

Các thánh tử đạo là những mẫu gương cho lòng can đảm bước theo chân Chúa, là những thợ gặt của Thiên Chúa mà Thánh vịnh nói tới: “Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. Họ ra đi trong than khóc, mang theo mình hạt giống; trở về trong hân hoan, mang theo gánh lúa vàng” (Tv 126, 5-6). Trong ánh sáng của những lời huyền nhiệm này, chúng ta hiểu được ý nghĩa đích thực của can đảm nơi các vị thánh Tử Đạo. Các Ngài đã bắt chước triệt để hình mẫu của Thầy chí Thánh.

Qua cái chết của mình, các thánh Tử Đạo họa lại cuộc đời của Thầy Giêsu: Người can đảm chống lại những chước cám dỗ của ma quỉ, can đảm lên án cách thực hành tôn giáo vị lợi, can đảm chống lại bất công của giới lãnh đạo Ít-ra-en; can đảm chấp nhận bị những môn đệ thân tín phản bội, can đảm chịu xét xử, can đảm chịu đánh đòn, can đảm chịu đóng đinh vào thập giá và cuối cùng can đảm chịu chết… Thầy Giêsu đã can đảm sống những điều Người dạy. Và như vậy, các thánh Tử Đạo can đảm trở thành người môn đệ của Thầy Giêsu. Các ngài “can đảm” làm chứng cho niềm tin của mình.

Theo sự hướng dẫn của Sách Giáo lý đầu tiên bằng tiếng Việt, các ngài làm chứng cho sự kiện phải tôn thờ một Thiên Chúa mà thôi, là Đấng Thiên Chúa duy nhất đã dựng nên trời đất. Cùng với việc làm chứng niềm tin, các ngài còn là những người “can đảm” làm chứng cho tình yêu. Tiên vàn là tình yêu đối với Chúa. Tiếp đến là tình yêu đối với người khác, đặc biệt là những người đã gây nên đau khổ, và cái chết cho chính mình.

Sau cùng các thánh Tử Đạo Việt Nam là những người “can đảm” làm chứng cho niềm hân hoan Nước Trời. Chúa Giêsu đã phán: “Phàm ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ tuyên xưng người ấy trước mặt Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời” (Mt 10, 32). Trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu nói: “Phúc cho ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,10). Quả vậy, sự bách hại này cuối cùng lại tạo ra niềm vui và phần thưởng lớn lao trên Thiên đàng. Con đường của các Mối phúc là một hành trình vượt qua dẫn đến một cuộc sống trong Chúa. Lời Chúa như là một động cơ thúc đẩy các ngài cam chịu mọi đắng cay và lướt thắng mọi khó khăn, vì những đau khổ hiện thời không thể sánh được với vinh quang bất diệt mà Chúa dành sẵn cho những kẻ yêu mến và trung thành với Ngài.

Tóm lại, nhờ ơn “Can đảm” mà các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã sống và làm chứng cho đức tin một cách ngoan cường. Can đảm của các Ngài không phải là liều mạng, nhưng là quyết tâm của những con người có Chúa ở cùng. Các ngài tự do và xác quyết trong những quyết định khôn ngoan của mình. Đó là niềm vui mừng vì được can đảm và chết cho chính những gì mình tin.

Cùng một lời mời gọi nên thánh, chung một lý tưởng hoàn thiện, nhưng mỗi thời đại, chúng ta được thúc đẩy thể hiện niềm tin và lòng can đảm của mình bằng một cung cách khác. Đối với người Thừa Sai Đức Tin, chúng ta được mời gọi noi gương các thánh Tử Đạo Việt Nam để can đảm sống chứng nhân đức tin giữa lòng đời hôm nay. Vào ngày thứ Năm, tuần XXX TN, trong bài giảng của mình cha Gioan Tô Hồng Tuấn, M.F. ngài nhấn mạnh cách đặc biệt về nhân đức “can đảm”, “rằng hơn hết anh em phải có lòng can đảm để dấn thân trong mọi hoạt động Tông đồ.” Đặc sủng số 35, của Dòng Thừa Sai Đức Tin cho thấy đời sống đức tin được tháp tùng bằng nhân đức can đảm. Can đảm là đặc tính cần thiết của người Thừa Sai Đức Tin, liên quan đến việc trung thành với sứ vụ Tông đồ. Đối với chúng ta, đó là nhân đức che chở trong những lúc khó khăn của đời Tông đồ, thậm chí phải tử đạo. Can đảm có nghĩa là tình yêu phổ quát, một trái tim rộng mở, không oán giận và dồi dào ơn Chúa. Người Thừa Sai Đức Tin thì mạnh mẽ, bởi vì họ “hiền lành, khiêm nhường, vui vẻ và trung thành”.

Người Thừa Sai Đức Tin sống chứng nhân của thời đại hôm nay chính là sống căn tính, cốt lõi của Tin Mừng. Khi sống chứng nhân cách đặc thù theo tinh thần Đặc sủng của Hội Dòng, chúng ta đã làm cho khái niệm “tử đạo” ngày nay được phong phú hơn, rộng rãi và thiết thực hơn. Tuy nhiên, đây cũng là một thách đố mang tính trường kỳ nói lên tính tử đạo liên lỷ ngang qua những lựa chọn mà chúng ta phải đối diện hằng ngày.

Đã đến lúc những người Thừa Sai Đức Tin chứng tỏ rằng, chúng ta thực sự tin vào lời Chúa Giêsu: “Can đảm lên, Chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mc 6,50), và giống như hàng hàng lớp lớp các vị thánh Tông Đồ và các vị Tử Đạo qua bao thế hệ, can đảm hướng dẫn mọi người; không chỉ để đáp ứng nhu cầu vật chất, nhưng là đáp ứng nhu cầu Đức Tin. Điều đó được thể hiện qua các sứ mạng mà chúng ta dấn thân trong lòng Giáo hội: Sứ mạng Chứng nhân Đức tin.

Nhân đức can đảm là một trong bảy ân huệ của Thánh Linh. Do vậy, thực hành nhân đức này không thể là công việc của cá nhân nhưng còn là ơn ban. Vì thế, để thực hành nhân đức can đảm chúng ta cần ý thức rằng: Nhân đức can đảm vừa là sự mạnh mẽ của tinh thần, vừa là sức mạnh của thể chất. Do vậy, việc rèn luyện sức mạnh tinh thần và thể chất cần đi đôi với nhau, cần có một thói quen thường xuyên, cần một nghị lực đủ mạnh và trên hết là cần biết kết hiệp với Đấng là nguồn ơn can đảm.

Đối với người Thừa Sai Đức Tin cũng vậy, việc thực hành nhân đức can đảm không chỉ cần sự nỗ lực của bản thân mà còn phải xin ơn trợ giúp của Thiên Chúa. Can đảm của người Thừa Sai Đức Tin là sống Ân Sủng và Vui Mừng trong mọi biến cố của cuộc đời. Can đảm không đơn thuần chỉ là tử đạo, nhưng can đảm là dám sống như Thầy Giêsu: dám chống lại những cám dỗ của ma quỉ, dám lên án cách thực hành tôn giáo vị lợi, dám chống lại bất công của xã hội, dám dấn thân, dám chịu từ bỏ, và cuối cùng là dám sống niềm vui của Đức Tin giữa lòng nhân loại hôm nay.

Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Hội Việt Nam Các Thánh Tử Đạo. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu mà ban cho chúng con ơn can đảm để sống chứng nhân cho Chúa trong thời đại hôm nay. Amen.

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Viết Trung, M.F.

Ý Cầu Nguyện Tháng 4

“CẦU NGUYỆN CHO VAI TRÒ CỦA NHỮNG NGƯỜI NỮ

Chúng ta hãy cầu nguyện để phẩm giá và sự phong phú của những người nữ được nhận biết trong tất cả các nền văn hoá, để không còn sự phân biệt đối xử mà họ là những nạn nhân ở nhiều nơi trên thế giới.

Giải Đáp Hôn Nhân & Gia Đình

Số 09 – Ngăn Trở Tiêu Hôn - P2
  Giải Đáp Hôn ...
Số 08 – Ngăn Trở Tiêu Hôn
Giải Đáp Hôn Nhân ...
Ly Thân Theo Giáo Luật-Giải Đáp Hôn
Giải Đáp Hôn Nhân ...

Hạt Giống Đức Tin

HẠT GIỐNG ĐỨC TIN 89
Giống như khi Chúa ...
HẠT GIỐNG ĐỨC TIN 88
Chúng ta thường ...
HẠT GIỐNG ĐỨC TIN 87
Thánh Giáo hoàng ...
  • 311/14/9 đường 30/4, P.Phú Thọ,
    Tp Thủ Dầu Một, Bình Dương
  • This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
  • 0274 3822 586
  • mfvietnam.org