Trong đời sống Đức Tin, rất nhiều khi chúng ta cũng giống như những người Do Thái ngày ấy. Chúng ta quá chú trọng vào hình thức và luật lệ mà quyên đi điều Chúa mong muốn: Đó là bước vào tương quan với chính Người và với tha nhân. Rất nhiều người trong chúng ta chỉ muốn chọn những con đường rộng rãi, những giải pháp thuận lợi, mau lẹ và hữu hiệu như “một liều thuốc tiên” cho mọi vấn đề nan giản, khó xử và bế tắc của mình.

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN C

(2 V 5,14-17; 2 Tm 2,8-13; Lc 17,11-19)

GẶP GỠ CHÍNH CHÚA

   Kính thưa cộng đoàn phụng vụ! Người ta thường nói: “Đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành.” Nhưng đôi lần, chúng ta cũng nghe: “Tin Đạo nhưng đừng tin kẻ có Đạo.” Có bao giờ ta tự hỏi: Tại sao tôi không phải là một người vô thần, một Phật tử hay tín đồ của bất cứ một tôn giáo nào khác mà lại là một Kitô hữu, một người Công Giáo? Tôi tin vào ai? Vì điều gì? Đối với tôi, Đức Giêsu Kitô là ai? Hay Người cũng chỉ là một ông Bụt, vị Thần theo kiểu “có thờ có thiêng, có kiêng có lành?” Đời sống của tôi đang là chứng từ của Đức tin hay đang là một phản chứng? Tôi có nhận ra đâu là ơn Chúa và đâu là điều Chúa muốn trong các biến cố đời tôi?

   Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng đặt ra một câu hỏi: “Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa mà chỉ có người ngoại bang này?” Khi nghe câu hỏi này, chúng ta thường nghĩ: Có lẽ, Chúa đang trách móc chín người kia vì họ vô ơn. Tuy nhiên, kết án họ như thế có phải là hơi vội vàng và chủ quan chăng? Theo Lề luật, bệnh phong cùi đồng nghĩa với sự ô uế và đôi khi được hiểu như hình phạt hay sự chúc dữ của Thiên Chúa. Vì thế, người phong cùi thường bị coi như kẻ tội lỗi và phải sống xa cách với người thân, với cộng đoàn. Ngoài những đau đớn thể xác do bệnh tật, họ còn luôn phải sống trong sự dằn vặt, tủi thân vì bị xa lánh hắt hủi ( Lv 13,1-14,57; Ds 12; Đnl 24,9; 2V 15,5…). Cho nên, khi được sạch, việc đầu tiên và bắt buộc họ phải làm là đi trình diện các tư tế để được công nhận và cho hòa nhập với cộng đồng. Hơn nữa, trong quan niệm của người Do Thái, ai trung thành với Lề luật sẽ được kể là người công chính, là người khôn ngoan và sẽ được Đức Chúa ban muôn phúc lành (Đnl 26,16-29; Tv 127; Cn 1,7…) Vì vậy, họ cũng có thể lựa chọn việc đến tạ ơn Người sau khi đã chu toàn những gì Luật dạy. Đặt mình trong hoàn cảnh như thế, chúng ta sẽ làm gì? Có lẽ, chúng ta sẽ không còn vội vàng kết án họ là những kẻ vô ơn.

   Vậy phải chăng, Người trách móc họ vì không có lòng tin? Khi chủ động đón gặp Người và kêu lên: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương xót chúng tôi!” thì trước đó chắc hẳn, họ đã nghe biết và tin vào quyền năng của Người. Hơn nữa, Người sai họ đến với các tư tế khi chưa được chữa lành nhưng họ vẫn đi. Ở đây, chúng ta không phủ nhận một bài học về “thái độ biết ơn” cũng như “đức tin” là điều cần thiết để lãnh nhận ơn Chúa. Tuy nhiên, trong câu hỏi của mình, Đức Giêsu dường như chẳng quan tâm đến việc “tạ ơn” hay “đức tin.” Cho nên, không chỉ dừng lại ở một thái độ theo khía cạnh nhân bản, dường như Người còn muốn điều gì vượt trên thế nữa. Vậy, thực sự Người muốn điều gì nơi họ khi hỏi như thế? 

   Đó chính là “trở lại” và “tôn vinh Thiên Chúa.” Nhưng làm sao điều ấy xảy ra được nếu họ không nhận ra Người là ai? Trở lại hình ảnh của người Samari: Anh liền trở lại, lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa, sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn. Hành động “sấp mình tạ ơn” chỉ xảy ra sau khi anh “lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa.” Điều đó cho thấy: Đây không chỉ là những hành động của một lòng biết ơn theo nhân bản, nhưng còn là một hành trình của đức tin: Nghe biết – Tin – Nhận ra – Gặp Gỡ Chính Chúa. Hẳn là qua việc được chữa lành, anh đã nhận ra: Đức Giêsu chính là Thiên Chúa. Chính vì thế, Người cũng mặc khải cho anh biết: Anh không chỉ nhận được sự chữa lành nơi thân xác nhưng là được “cứu chữa” nghĩa là được chạm tới Ơn Cứu Độ. Mà Ơn Cứu Độ không là gì khác hơn là chính Đức Giêsu. Như Người đã nhiều lần loan báo: “Hôm nay, ơn Cứu Độ đã đến nhà này,” “Đây còn hơn Salômôn nữa” hay “Nước Trời đang ở giữa các ông” (Lc 19,1-10; Lc 11,19-32; Lc 17,19-20).

   Trong đời sống Đức Tin, rất nhiều khi chúng ta cũng giống như những người Do Thái ngày ấy. Chúng ta quá chú trọng vào hình thức và luật lệ mà quyên đi điều Chúa mong muốn: Đó là bước vào tương quan với chính Người và với tha nhân. Rất nhiều người trong chúng ta chỉ muốn chọn những con đường rộng rãi, những giải pháp thuận lợi, mau lẹ và hữu hiệu như “một liều thuốc tiên” cho mọi vấn đề nan giản, khó xử và bế tắc của mình. Những người chuộng “điềm thiêng dấu lạ” thì đổ xô đến những nơi “thánh thiêng theo lời đồn”, mong nhận được, hoặc chứng kiến những phép lạ. Nhưng những phép lạ này không đưa đến lòng tin đích thực vào Thiên Chúa mà chỉ đưa đến những lối hiểu sai lầm về “phép lạ” cũng như nguy cơ “sự vật hóa ân sủng” trong các thực hành đời sống đạo. Hiện tượng bề mặt là việc chạy theo các hội nhóm dị giáo, là ham danh chuộng lạ, bói toán, đồng cốt… Nhưng điều nguy hiểm hơn, những sai lầm này đang vô hình tạo nên một thứ “Đạo thực dụng.” Nói cách khác, vô tình chúng ta đã biến Thiên Chúa trở thành “cỗ máy ban ơn,” còn chúng ta mãi là những kẻ “ăn mày các ơn phước vụn vặt.” Đây cũng là điều mà ngôn sứ Êlisa trong bài đọc thứ nhất đã cảnh giác khi ông không nhận phẩm vật của vị tướng quân kia mà chỉ cho phép ông này mang một chút đất về dựng bàn thờ kính Đức Chúa.

   Thật vậy, Thiên Chúa cứu độ con người không bằng cách hạ giá con người xuống bùn đen, không phải mãi bắt con người tự nhận mình hèn mạt, xấu xa, nhơ uế. Nhưng nhờ Đức Giêsu Kitô, Người đã nâng chúng ta lên bằng một tình yêu rộng mở trong sự tự do của con cái Chúa. Để ngay từ cuộc sống đời này, chúng ta được bước vào chính sự sống thâm sâu của Ba Ngôi Thiên Chúa như thánh Phaolô đã diễn tả trong bài đọc thứ hai - thư gửi Timôthê: “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người, nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người.” Như thế, điều Chúa Giêsu mong muốn nơi những con người năm xưa, Người cũng đang nói với chúng ta hôm nay: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người đang nói với chị…thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống (Ga 4,1-42).” Nghĩa là điều tốt nhất mà Thiên Chúa trao ban cho con người không thể là gì khác hơn chính bản thân Người; thì đối với con người, điều tốt nhất cho mình cũng không thể là gì khác hơn là chính Thiên Chúa.

   Lạy Chúa, tuy Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng việc chúng con cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban, vì những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen! (Lời tiền tụng chung IV)

Tu sĩ Phê-rô Nguyễn Văn Ba, M.F.

Ý Cầu Nguyện Tháng 12

“CẦU NGUYỆN CHO NHỮNG NGƯỜI HÀNH HƯƠNG HY VỌNG"

Chúng ta hãy cầu nguyện để Năm Thánh mở ra cho chúng ta sự tăng cường về đức tin, giúp chúng ta nhận biết Đức Kitô phục sinh ở giữa cuộc đời chúng ta, biến đổi chúng ta thành những người hành hương đầy hy vọng Kitô giáo.

Giải Đáp Hôn Nhân & Gia Đình

Số 09 – Ngăn Trở Tiêu Hôn - P2
  Giải Đáp Hôn ...
Số 08 – Ngăn Trở Tiêu Hôn
Giải Đáp Hôn Nhân ...
Số 07 - Ly Thân Theo Giáo Luật
Giải Đáp Hôn Nhân ...
Số 06 - Đặc Ân Thánh Phêrô
Giải Đáp Hôn Nhân ...
Số 05 - Đặc Ân Thánh Phaolô
Giải Đáp Hôn Nhân ...

Hạt Giống Đức Tin

Hạt Giống Đức Tin 96
Chúng ta đứng trước ...
Hạt Giống Đức Tin 95
Mừng lễ Chúa Kitô ...
Hạt Giống Đức Tin 94
“Ai muốn cứu mạng ...
Hạt Giống Đức Tin 93
"Thấy vậy mà không ...
HẠT GIỐNG ĐỨC TIN 92
Từ ngàn xưa người ...

Đang Online

We have 245 guests and no members online

  • 311/14/9 Đường 30/4, P. Phú Thọ,
    Tp. Thủ Dầu Một, T. Bình Dương
  • This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
  • 0274 3822 586
  • mfvietnam.org