-
Ngày Đăng: 02 November 2024
-
Lượt xem: 35
“Cứ yêu đi và làm điều bạn muốn, hãy nuôi dưỡng cội rễ tình yêu trong tâm hồn bạn, từ cội rễ này, không thể phát xuất điều gì khác hơn là những điều thiện lành và đẹp lòng Thiên Chúa”.
Suy Niệm Lời Chúa - Chúa Nhật XXXI – TN B
Lời Chúa: Đnl 6,2-6; Hr 7,23-28; Mc 12,28b-34
Bài đọc 1: Đnl 6,2-6
Nghe đây, hỡi Ít-ra-en ! Hãy yêu mến Đức Chúa hết dạ hết lòng !
Bài trích sách Đệ nhị luật.
2 Ngày ấy, ông Mô-sê nói với dân Ít-ra-en rằng : “Anh em cũng như con cháu anh em sẽ kính sợ Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mọi ngày trong suốt cuộc đời, tuân giữ tất cả những chỉ thị và mệnh lệnh của Người mà tôi truyền cho anh em, và anh em sẽ được sống lâu. 3 Hỡi Ít-ra-en, hãy nghe và lo đem những điều ấy ra thực hành ; như vậy anh em sẽ được hạnh phúc và trở nên thật đông đảo, trong miền đất tràn trề sữa và mật, như Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, đã phán với anh em.
4 “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en ! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. 5 Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em. 6 Những lời này tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi lòng tạc dạ.”
Bài đọc 2: Hr 7,23-28
Chính vì Đức Giê-su hằng sống muôn đời, nên phẩm vị tư tế của Người tồn tại mãi mãi.
Bài trích thư gửi tín hữu Híp-ri.
23 Thưa anh em, trong Cựu Ước, có nhiều người kế tiếp nhau làm tư tế, bởi vì họ phải chết, không thể giữ mãi chức vụ đó. 24 Còn Đức Giê-su, chính vì Người hằng sống muôn đời, nên phẩm vị tư tế của Người tồn tại mãi mãi. 25 Do đó, Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ.
26 Phải, đó chính là vị Thượng Tế mà chúng ta cần đến : một vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời. 27 Đức Giê-su không như các vị thượng tế khác : mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân ; phần Người, Người đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đủ. 28 Vì Luật Mô-sê thì đặt làm thượng tế những con người vốn mỏng giòn yếu đuối, còn lời thề có sau Lề Luật, lại đặt Người Con đã nên thập toàn cho đến muôn đời.
Tin Mừng: Mc 12,28b-34
Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngươi phải yêu người thân cận.
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
28b Khi ấy, có một người trong các kinh sư đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng : “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng hàng đầu ?” 29 Đức Giê-su trả lời : “Điều răn đứng hàng đầu là : Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. 30 Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. 31 Điều răn thứ hai là : Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác quan trọng hơn các điều răn đó.” 32 Ông kinh sư nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. 33 Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” 34 Đức Giê-su thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo : “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu !” Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.
Suy Niệm 1:
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
Kính thưa cộng đoàn!!!
Cộng đoàn vẫn nhớ câu chuyện về người Samari nhân hậu? Khi một người đàn ông bị cướp và bị thương nặng, nằm bên đường, tất cả mọi người đều đi qua. Chỉ có một người Samari, đã dừng lại, băng bó vết thương và đưa người đàn ông ấy đến nhà trọ. Đó chính là tình yêu thương mà Chúa Giêsu muốn chúng ta sống.
Câu chuyện về người Samari tốt bụng dẫn chúng ta đến đoạn Kinh Thánh hôm nay, khi một người kinh sư đến hỏi Chúa Giêsu về điều răn lớn nhất. Chúa Giêsu đã trả lời một cách ngắn gọn nhưng vô cùng sâu sắc: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.” (Mc 12, 30-31)
Vậy, điều gì khiến cho câu trả lời của Chúa Giêsu lại đơn giản mà lại sâu sắc đến vậy? Và làm thế nào chúng ta có thể sống trọn vẹn điều răn yêu thương này trong cuộc sống hàng ngày?
Tin Mừng hôm nay kể về một người kinh sư, một người thông thạo luật pháp, đến gặp Chúa Giêsu và hỏi Ngài về điều răn quan trọng nhất. Qua câu hỏi này, người kinh sư bày tỏ lòng khao khát tìm kiếm chân lý và hiểu biết sâu xa hơn về lề luật.
Câu trả lời của Chúa Giêsu thật sâu sắc. Chúa Giêsu không đưa ra một danh sách dài những điều răn phải làm, mà Ngài tập trung vào hai điều răn quan trọng nhất: mến Chúa và yêu người. Điều đáng chú ý là Chúa Giêsu nhấn mạnh đến việc yêu bằng cả trái tim, linh hồn, trí khôn và sức lực. Điều này có nghĩa là tình yêu không chỉ là một cảm xúc mà còn là một quyết định, một hành động. Cũng vậy, tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân là hai mặt của cùng một đồng xu. Chúng ta không thể yêu thương Thiên Chúa mà lại không yêu thương người khác.
Quan điểm của người kinh sư có một sự khác biệt. Ông tập trung vào việc tuân thủ luật pháp một cách nghiêm túc. Ông muốn biết điều răn nào là quan trọng nhất để có thể thực hiện một cách hoàn hảo.
Bên cạnh đó, quan điểm của Chúa Giêsu là đi sâu vào bản chất của luật pháp. Ngài chỉ ra rằng tất cả các luật lệ đều quy về một điểm chung duy nhất đó là tình yêu. Tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân là nền tảng của mọi luật lệ.
Trong Cựu Ước, Mười Điều Răn được xem là nền tảng của luật pháp. Chúng đưa ra những quy tắc cụ thể để con người sống một cuộc sống thánh thiện. Truyền thống Do Thái đúc kết các điều luật trong Torah thành 613 điều, trong đó, có 248 điều tích cực phải làm và 365 điều răn mang tiêu cực không được làm.
Trong Tân Ước, Chúa Giêsu nâng khái niệm tình yêu lên một tầm cao mới. Ngài dạy chúng ta yêu thương không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động, yêu thương cả những kẻ thù. Tình yêu của Chúa Giêsu là một tình yêu vị tha, hy sinh, vượt qua mọi giới hạn.
Theo Thánh Gioan, “yêu người” là hành vi bộc lộ ra, chứng tỏ rằng một người có yêu Chúa hay không. Thánh Gioan nói rằng: “Ai nói rằng tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối, vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà mình không trông thấy” (1 Ga 4,20)
Thánh Phaolô cũng nói “yêu thương người thân cận như chính mình” là điều thiết yếu cho các tín hữu trong các cộng đoàn. “Anh em chớ mắc nợ nhau điều gì, ngoài việc yêu thương lẫn nhau, vì ai yêu thương người khác, thì đã chu toàn Lề Luật rồi” (Rm 13,8);
Kính thưa cộng đoàn!!!
Dẫu biết rằng tình yêu của Đức Giêsu Kitô là một tình yêu lý tưởng! Chúng ta cũng thừa nhận với nhau rằng: Trong thân phận con người, chúng ta còn nhiều giới hạn.
Đó là sự ích kỷ; luôn muốn đặt lợi ích của bản thân lên trên lợi ích của người khác.
Sự khác biệt, trong một xã hội đa dạng, với nhiều quan điểm, văn hóa khác nhau. Điều này dễ dẫn đến xung khắc và khó khăn trong việc yêu thương.
Đó là sự sợ hãi; sợ bị tổn thương, sợ thất bại, sợ bị từ chối, sợ phản bội... cũng là những trở ngại lớn trong việc mở lòng yêu thương.
Đối với cộng đoàn chúng ta thì sao?
Cộng đoàn của chúng ta giống như một đại gia đình. Mỗi người trong chúng ta đều có một vai trò quan trọng, không có mỗi cá nhân thì cũng chẳng có cộng đoàn. Tình yêu Đức Giêsu Kitô là sợi dây liên kết chúng ta lại với nhau, và cùng nhau trưởng thành trong đức tin.
Chính vì vậy, chúng ta hãy biết quan tâm, chăm sóc, lắng nghe nhau, hãy tha thứ cho nhau để được Thiên Chúa thứ tha. Chúng ta hãy cụ thể bằng một nụ cười, một lời chào, một hành động chia sẻ. Những hành động nhỏ bé này sẽ tạo nên một sự khác biệt lớn.
Kính thưa cộng đoàn!
Cộng đoàn là nhà, là gia đình của chúng ta, là nơi chúng ta tìm thấy sự an bình và nâng đỡ. Hãy trân trọng những mối quan hệ trong cộng đoàn và cùng nhau xây dựng một gia đình thiêng liêng.
Cũng trong tâm tình tháng cầu nguyện cho các linh hồn! Chúng ta cũng hiệp ý với nhau để cầu cho các linh hồn của quý Cha, quý thầy, và những thân nhân, ân nhân đã về với Chúa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết quan tâm nhau mỗi ngày. Xin cho chúng con có một trái tim rộng mở để đón nhận những người xung quanh với những khác biệt. Amen.
Tu sĩ Gioan Nguyễn Văn Trí, M.F.
Suy Niệm 2:
MỘT TÌNH YÊU CỤ THỂ
Kính thưa quý ông bà và anh chị em!
Dân gian tục ngữ Việt Nam có câu: “Thương người như thể thương thân”. Câu này từ khi còn nhỏ chúng ta đã được nghe dạy, tuy ngắn gọn, nhưng nói lên được phẩm chất lương thiện vốn có của người Việt Nam. Ngoài câu tục ngữ trên, chúng ta cũng đã từng nghe đến những thành ngữ ca dao, nhằm thúc giục tình tương thân tương ái nơi mỗi người mỗi nhà, đặc biệt là trong những biến cố về thiên tai lũ lụt, ví như: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”, hay như: “Có câu tích đức tu nhân, Hoạn nạn tương cứu, phú bần tương tri.”
Kính thưa quý ông bà và anh chị em!
Từ ngàn xưa người Việt Nam đã thấm nhuần những câu ca dao tục ngữ ấy. Tuy nhiên, khi nhìn dưới góc độ là người Kitô hữu, đối chiếu dưới ánh sáng của đức tin, chúng ta biết rằng: Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Thiên Chúa, và đặt vào cung điện tâm hồn mỗi người tiếng nói của chính Ngài, mà chúng ta thường gọi là “tiếng lương tâm”, lương tâm thúc bách con người yêu mến điều lành và lánh xa điều dữ.
Bài đọc 1 trích sách Đệ Nhị Luật, Thiên Chúa đã phán dạy dân Israel, nếu muốn “được hạnh phúc và trở nên thật đông đảo, trong miền đất tràn trề sữa và mật” thì phải nghe lời Đức Chúa phán dạy, và Môsê đã truyền lại cho dân: “Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em”. Chúng ta thấy rằng lệnh truyền này trong sách Đệ Nhị Luật không xuất hiện điều răn thứ hai, như trong bài Tin Mừng ngày hôm nay chúng ta vừa nghe, đó là giới răn “yêu người”. Đức Giêsu đã thêm vào lệnh truyền “phải yêu người thân cận như chính mình”, Tin Mừng của thánh Mác-cô khá ngắn gọn và chưa diễn tả đầy đủ cho bằng Tin Mừng của thánh Mt ở chương 22 câu 39, sẽ cho chúng ta cái nhìn rõ hơn về quan điểm của Đức Giêsu: “Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn trước, ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”. Như vậy, cụm từ “cũng giống như điều răn trước” cho thấy Đức Giêsu đã đặt cả hai giới răn: “mến Chúa và yêu người” ở tầm mức ngang hàng nhau.
Kính thưa quý ông bà và anh chị em!
“Mến Chúa – yêu người”, 4 chữ, tuy ngắn gọn, súc tích nhưng là con đường nên thánh, là tinh hoa và lý tưởng của người Kitô hữu, cả hai giới răn này có mối tương quan không thể tách rời, chẳng ai mến Chúa mà lại chán ghét con người, và cũng chẳng ai nói tôi quý anh, tôi thương chị, tôi yêu tha nhân mà lại không đặt nền tảng, là lòng yêu mến Thiên Chúa. Nhưng làm sao để chúng ta thực thi trọn vẹn ý nghĩa của hai giới răn cao trọng ấy.
Thiết nghĩ, những tấm gương của lòng mến Chúa và yêu người sẽ là nơi để chúng bắt chước và học theo các ngài trên hành trình nên thánh:
Trước tiên, nơi Kinh thánh có những nhân vật đã phản ánh được lòng yêu mến dành cho Thiên Chúa. Ví như bà Rút, một người đại diện cho dân ngoại, chình vì là dân ngoại, nên bà không bị ràng buộc bởi những điều luật của Do Thái, khi người chồng qua đời, thì bà Rút có thể về nhà mẹ mình mà tìm một người chồng khác. Nhưng không, Rút đã theo bà Na-o-mi mà trở về Giu-đa, điều này cho thấy bà Rút hoàn toàn chấp nhận sự liên đới, hiệp nhất với dân và tôn giáo của người chồng đã mất. Điều này phát xuất từ lòng yêu mến Thiên Chúa và một niềm tín thác mạnh mẽ. Phần thưởng dành cho bà Rút - là trở thành một trong bốn tổ mẫu được nhắc đến trong gia phả của Đấng Cứu Thế.
Tiếp đến, là Đức Maria, khi suy tư về đoạn văn truyền tin và lời đáp của Mẹ: “Này tôi là tôi tá Chúa”, Ô-ri-gen đã viết: “Với lời đáp đó, Đức Maria như muốn thưa lên với Thiên Chúa: Này con đây, con là bản viết, xin văn nhân cứ viết điều Người muốn, xin Chúa của vạn sự dùng con theo như tôn ý của Người”. Thật vậy, nếu không yêu mến, thì chẳng có ai giao phó cuộc đời mình cho người khác. Mẹ đã yêu mến Chúa “hết lòng hết dạ, hết trí khôn” và Mẹ đã phó thác hoàn toàn cuộc đời mình cho Thiên Chúa.
Trong lịch sử Giáo hội, chúng ta có nhiều những vị thánh đã chỉ dành cuộc đời cho lòng yêu mến Thiên Chúa, ví như, thánh Augustinô đã chẳng thú nhận: “Lạy Chúa, lòng con khắc khoải cho đến khi nghỉ yên trong Ngài” hay như thánh Tôma Aquinô, một cuộc đời chỉ để viết và suy niệm về Thiên Chúa, đến giây phút cuối đời, ngài đã thưa lên: “con chỉ muốn một mình Chúa mà thôi”, và như thánh Bê-na-đô, ngài cũng đã viết rằng “Lạy Thiên Chúa của con, con đã tìm Chúa. Lạy Chúa, con sẽ tìm thánh nhan Ngài”. Gần hơn với chúng ta, có ĐHY Nguyễn Văn Thuận, với lòng yêu mến Chúa, hơn hết với Chúa Giêsu Thánh Thể, ngài đã viết rằng: “Con muốn sống làm chứng nhân, cho tình yêu của Chúa Giêsu”.
Kính thưa quý ông bà và anh chị em!
Đức Giêsu là nguyên mẫu điển hình của giới răn mến Chúa yêu người, Ngài đã yêu mến và vâng phục thánh ý Chúa Cha bằng chính con đường tình yêu là cái chết trên thập giá. Mỗi người chúng ta là môn đệ thì không còn cách nào khác hơn là học nơi Thầy của mình, và lệnh truyền của Ngài cũng chính là điều chúng ta cần ghi lòng tạc dạ: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).
Vậy yêu thương nhau được thể hiện như thế nào, thưa cộng đoàn?
Trong suốt hành trình ba năm rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu luôn đối diện với những phận người cụ thể: người đui mù, người bất toại, kẻ tội lỗi, người khốn cùng, và cả những kẻ giàu sang địa vị cho đến những hạng người bần hàn đói rách, Ngài đều yêu thương và chữa lành cho những con người ấy. Còn với chúng ta thì sao? Có dễ không?
Trong tập truyện ngắn với tựa đề: “Chuyện con mèo dạy hải âu bay”- tác giả Luis Sepúlveda đã viết: “Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn…”. Thật vậy, không dễ một chút nào, nhất lại là những người chúng ta không có thiện cảm, hoặc như không cùng quan điểm, hay là những người chúng ta chưa một lần biết đến. Vì thế, việc nuôi dưỡng một tâm hồn lương thiện, một con tim quảng đại là điều cần thiết.
Cách đây chưa lâu, chúng ta đã chứng kiến sự tàn phá của cơn bão Yagi, đã có rất nhiều những tấm lòng nhân hậu và thiện lành, đóng góp giúp đỡ cho những nạn nhân của cơn bão. Tuy nhiên, cũng chính vào thời điểm đó, đã xuất hiện một khái niệm mới trên các trang mạng xã hội, một hình thức “giả hình” kiểu mới, với tên gọi: “lối sống phông bạt”, để ám chỉ đến những người sống hình thức rực rỡ bề ngoài, nhưng lại thiếu chân thật bên trong. Nếu có chăng hình thức này không gây hại đến ai thì có lẻ không có gì để bàn, tuy nhiên, có những con người đã lợi dụng những tang thương và khổ đau của đồng bào để tô vẽ cho bản thân mình, chẳng cho đi được là bao nhưng lại phô trương bằng một số tiền rất lớn, để hòng được người đời tôn vinh, khen ngợi.
Là người Kitô hữu, tất cả chúng ta được mời gọi sống một tình yêu chân thành với Thiên Chúa và tha nhân, tình yêu theo Kitô giáo phải phát xuất từ nội tâm. Phải nhấn mạnh đến chiều kích bên trong hơn là hình thức bên ngoài, theo như lời Thánh Phaolô đã viết: “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ”. Hãy học nơi Đức Giêsu, một con người lương thiện, một mẫu gương của lòng yêu người, và giàu lòng trắc ẩn, Ngài đã khóc với những nỗi đau thương của cuộc đời: Ngài đã rơi nước mắt vì cái chết của Ladarô, Ngài đã chạnh lòng thương khi nhìn thấy bà goá nghèo chôn con trai mình, Ngài đã xót xa thương cảm khi chứng kiến đám đông dân chúng không ai chăm sóc. Ngài đã thực thi giới răn “yêu người thân cận như chính mình”cách triệt để, là cái chết trên thập giá. “Người thân cận” theo cái nhìn của Đức Giêsu không phải là những con người mông lung trừu tượng, nhưng là những con người cụ thể, trong một hoàn cảnh và thời điểm cụ thể. Quả thật, có những lúc chúng ta để cho mình bị rơi vào guồng máy của những việc vĩ đại lớn lao, và rồi khiến ta hờ hững và lãnh đạm với những con người cụ thể đang ngay bên cạnh ta, đang cần ta mà ta quên mất. Chính vì vậy, người thân cận mà Đức Giêsu muốn nhắn nhủ chúng ta cần yêu thương, chính là người chúng ta gặp gỡ ngay giây phút hiện tại: một lời nói động viên, một nụ cười thăm hỏi, một ánh nhìn cảm thông là đủ để chúng ta chu toàn luật yêu thương.
Kính thưa quý ông bà và anh chị em!
Xã hội mà chúng ta sống, đang hướng chiều con người theo những lối cư xử của bạo lực, ăn thua sòng phẳng, và thiếu lòng bao dung. Là những chứng nhân cho Tin Mừng, ước mong sao mỗi người chúng ta biết dùng những đức tính nhân bản Kitô giáo, lan truyền vào từng ngóc ngách và mọi nẻo đường của cuộc sống, xin cho mọi việc chúng ta làm dù tiểu tiết, tầm thường, vụn vặt đến đâu đi chăng nữa, cũng được hoà quyện và đan dệt với lòng mến Chúa yêu người, khi đó bất kể những gì chúng ta thực thi, cũng trở thành một viên bảo ngọc quý giá vô ngần, tựa như lời Thánh Augustinô đã nói: “Cứ yêu đi và làm điều bạn muốn, hãy nuôi dưỡng cội rễ tình yêu trong tâm hồn bạn, từ cội rễ này, không thể phát xuất điều gì khác hơn là những điều thiện lành và đẹp lòng Thiên Chúa”.
Tu sĩ Phêrô Nguyễn Xuân Thiện, M.F.
Ý Cầu Nguyện Tháng 11
“CẦU NGUYỆN CHO NHỮNG NGƯỜI ĐÃ MẤT CON"
Chúng ta hãy cầu nguyện để tất cả những người cha mẹ phải than khóc vì cái chết của người con trai hay con gái, tìm thấy sự nâng đỡ của cộng đoàn và nhận được từ Thánh Thần an ủi sự bình an trong tâm hồn.
Giải Đáp Hôn Nhân & Gia Đình
Hạt Giống Đức Tin
Tài Liệu- Suy Tư
Đang Online
We have 140 guests and no members online