Làm sao để gặp một người mà mình có ác cảm mà không chấp chước, phán xét hay oán hận?

Suy Niệm Tin Mừng – Chúa Nhật VII TN – Năm C

 

Lời Chúa: 1 Sm 26,2.7-9.12-13.22-23; 1 Cr 15,45-49; Lc 6,27-38

 

Bài đọc 1

1 Sm 26,2.7-9.12-13.22-23

Đức Chúa đã nộp cha vào tay con, nhưng con đã không muốn tra tay.

Bài trích sách Sa-mu-en quyển thứ nhất.

2 Hồi ấy, vua Sa-un lên đường và xuống sa mạc Díp, cùng với ba ngàn quân tinh nhuệ của Ít-ra-en, để tìm bắt ông Đa-vít trong sa mạc Díp. 7 Đang đêm, ông Đa-vít và ông A-vi-sai đến chỗ quân binh. Vua Sa-un đang nằm ngủ trong trại binh, cây giáo của vua cắm xuống đất, ở phía đầu vua, còn ông Áp-ne và quân binh thì nằm chung quanh.

8 Ông A-vi-sai nói với ông Đa-vít : “Hôm nay Thiên Chúa đã nộp kẻ thù của cậu vào tay cậu. Bây giờ, xin cho cháu dùng giáo ghim nó xuống đất, một nhát thôi ; cháu không cần đâm nhát thứ hai.” 9 Ông Đa-vít nói với ông A-vi-sai : “Đừng giết vua ! Có ai tra tay hại đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong mà vô sự đâu ?” 12 Ông Đa-vít lấy cây giáo và bình nước ở phía đầu vua Sa-un, rồi cả hai người ra đi. Không ai thấy, không ai hay, không ai thức dậy. Họ đều ngủ cả, vì Đức Chúa đã cho một giấc ngủ mê ập xuống trên họ.

13 Ông Đa-vít đi sang phía bên kia và đứng trên đỉnh núi, ở đàng xa ; có một khoảng cách lớn giữa họ. 22 Ông Đa-vít nói : “Cây giáo của đức vua đây. Một trong các đầy tớ hãy sang mà lấy. 23 Xin Đức Chúa thưởng công cho mỗi người tuỳ theo sự công chính và lòng trung thành của họ : hôm nay Đức Chúa đã nộp cha vào tay con, nhưng con đã không muốn tra tay hại đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong.”

 

Bài đọc 2: 1 Cr 15,45-49

Như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

45 Thưa anh em, con người đầu tiên là A-đam được dựng nên thành một sinh vật, còn A-đam cuối cùng là thần khí ban sự sống. 46 Loài xuất hiện trước không phải là loài có thần khí, nhưng là loài có sinh khí ; loài có thần khí chỉ xuất hiện sau đó. 47 Người thứ nhất bởi đất mà ra thì thuộc về đất ; còn người thứ hai thì từ trời mà đến. 48 Những kẻ thuộc về đất thì giống như kẻ bởi đất mà ra ; còn những kẻ thuộc về trời thì giống như Đấng từ trời mà đến. 49 Vì thế, cũng như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến.

 

Tin Mừng: Lc 6,27-38

Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

27 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây : hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, 28 hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em, và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. 29 Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. 30 Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại. 31 Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. 32 Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa ? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. 33 Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa ? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. 34 Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa ? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. 35 Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.

36 “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. 37 Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. 38 Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”

 

Suy Niệm 1:

ĐỘ LƯỢNG

Kính thưa quý ông bà và anh chị em !

Bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe được tiếp nối với bài Tin Mừng của Chúa nhật tuần trước. Cả hai bài Tin Mừng là một loạt các giáo huấn của Đức Giêsu về ý nghĩa đích thực của cuộc sống con người, Ngài mời gọi chúng ta đặt lại những giá trị ưu tiên, sống khiêm nhường và chia sẻ, đừng đặt trọng tâm đời sống mình vào của cải tiền bạc hay tham vọng cá nhân để thoả mãn cho nhu cầu bản thân. Nếu như để ý kỹ, chúng ta sẽ thấy sự tiến triển về ý tưởng, càng về sau sẽ càng mạnh hơn. Nếu Tin Mừng của Chúa nhật tuần trước tập trung vào thái độ sống với những giá trị đối nghịch với thế gian thì trong bài Tin Mừng của Chúa nhật tuần này, Đức Giêsu mời gọi chúng ta vươn xa hơn trong lối suy nghĩ và cả thực hành đó là yêu thương kẻ thù, làm điều tốt, không xét đoán và biết tha thứ cho anh em mình. Đây có thể coi như là một cuộc cách mạng về luân lý và đức tin, một lời mời gọi biến đổi triệt để trong đời sống của mỗi người chúng ta.

Kính thưa cộng đoàn!

Tin Mừng của ngày hôm nay có thể xem như “khuôn vàng thước ngọc” trong việc “đối nhân xử thế” về đức tính độ lượng mà mỗi người chúng ta cần học theo. Khi nghe bài Tin Mừng, chúng ta sẽ có những khúc mắc liệu rằng ai trên thế gian này đủ sức để thực thi được ý Chúa mà không hề có tính toán so đo. Phải chăng Tin Mừng mà Chúa dạy quá khó để noi theo: “… hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em; hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em, và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa…”. Những câu từ khi nghe không dễ để chấp nhận vì nó không chỉ đưa đến sự tổn thương về tinh thần mà còn đi ngược lại với phản ứng tự nhiên của con người khi bị xúc phạm về thể xác.

Thưa cộng đoàn, nếu chúng ta làm thử một phép so sánh về lời của Chúa dạy và những gì các chứng nhân, đặc biệt nơi các vị thánh đã sống cuộc đời của các ngài, chúng ta sẽ thấy Chúa vẫn còn nhẹ nhàng với chúng ta lắm, Chúa không dạy chúng ta những điều vô nghĩa khiến chúng ta bế tắc hay khó khăn. Dầu rằng, một số giáo huấn này đã xuất hiện trong Cựu Ước, nhưng cách Đức Giêsu nhấn mạnh và yêu cầu người môn đệ sống theo lại mang một chiều sâu mới mẻ và thách thức hơn, ý nghĩa sâu xa mà Đức Giêsu muốn mời gọi chúng ta hướng đến là một tình yêu cao cả, một tình yêu có thể biến đổi nhân tâm, biến đổi thế giới. Thế giới này cần có những con người như vậy, những con người dám chấp nhận những hy sinh, những thiệt thòi để có thể chứng minh cho mọi người thấy rằng: tình yêu và lòng độ lượng có thể biến đổi con người, biến đổi xã hội.

Trong lịch sử có không thiếu những chứng nhân sống như vậy, chúng ta thử lật lại trong những trang sách của Cựu Ước sẽ thấy:

Ông Giuse bị các anh trai ghen tị, bán làm nô lệ ở Ai Cập. Tuy nhiên, khi trở thành tể tướng, ông không trả thù mà tha thứ, giúp đỡ họ trong thời kỳ đói kém. Ông nói: “Anh em đừng sợ!...Phần tôi, tôi sẽ cấp dưỡng cho anh em và con cái anh em”.

Chúng ta cũng bắt gặp ngôn sứ Elisa, khi thấy quân A-ram đến bắt mình, ông đã không để họ bị giết mà nói với vua Israel: “Hãy dọn cho họ bánh ăn nước uống, để họ ăn uống rồi trở về với chủ mình”. Nhờ lòng nhân hậu này, quân Aram từ đó không còn tấn công Israel nữa.

Hay chính trong bài đọc 1 chúng ta vừa nghe: Vua Saun nhiều lần tìm giết Đavít, nhưng khi có cơ hội báo thù, Đavít đã tha mạng cho vua và nói: “Xin Đức Chúa đừng để tôi ra tay hại người được xức dầu của Đức Chúa”.

Còn với các vị thánh trong Tân Ước hay gần hơn với chúng ta thì sao:

Thánh Stêphano: khi bị ném đá đến chết, ngài vẫn cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này”.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Năm 1981, ngài bị Ali Agca ám sát nhưng sau khi bình phục, ngài đến thăm và tha thứ cho kẻ ám sát mình. Hành động này thể hiện rõ ràng tinh thần yêu thương và độ lượng.

Kính thưa quý ông bà và anh chị em !

Không biết quý ông bà anh chị em có cảm nhận thấy rằng: càng lớn lên chúng ta sẽ càng thấy bài học về lòng thương người là bài học khó khăn nhất mà chúng ta phải trải qua nếu không muốn nói là gian truân, bầm dập, đầy thương tích. Nó khó hơn tất cả mọi thứ chúng ta học từ kỹ năng cho đến kiến thức ở trường lớp hay ngoài đời. Không khó sao được nếu chúng ta tự đặt câu hỏi đó cho chính mình và ngẫm xem:

Làm thế nào để tha thứ cho một người khiến ta đau khổ tổn thương?

Làm thế nào có thể thật lòng cầu mong hạnh phúc cho người đã làm mình tan nát cõi lòng?

Làm sao để gặp một người mà mình có ác cảm mà không chấp chước, phán xét hay oán hận?

Quả thật, thưa anh chị em, chúng ta chắc chắn sẽ cảm thấy mình thật ngây thơ hay khờ dại thậm chí là ngu muội khi chúng ta lại đi yêu thương một người nào đó nhiều hơn họ yêu thương mình, chứ chưa nói đến là họ không hề dành tình cảm gì cho mình. Nếu chúng ta cứ đặt mình vào hoàn cảnh đó sẽ dễ dẫn chúng ta đến nguy cơ phải đau đớn và xấu hổ. Có lẽ, những ai đã từng có một mối tình đơn phương ắt hẳn sẽ dễ hiểu cho sự đau khổ này.

Các vị thánh là những con người đã dám sống trọn ý nghĩa này của Tin Mừng, người đời có thể cho rằng đó là một hành động khờ khạo và vô tri nhưng suy xét một cách sâu xa và tường tận, thì khi chúng ta đối xử tốt với người khác, với xã hội với tha nhân là chúng ta đang đối xử tốt với chính mình và cũng chính là làm đẹp lòng Thiên Chúa, như Đức Giêsu dạy rằng: “Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Và tất nhiên, cũng chính Đức Giêsu đã làm gương cho chúng ta về điều đó khi vào đêm trước khi chết, Ngài đã nói với các môn đệ sắp phản bội, chối bỏ, và bỏ rơi Người rằng: “Thầy gọi anh em là bạn hữu”. (Ga 15,15).

Kính thưa cộng đoàn!

Tin Mừng của ngày hôm nay là bài học về lòng độ lượng mà Đức Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta học tập, ước mong sao chúng ta luôn biết yêu thương và tha thứ cho nhau, dẫu rằng chẳng dễ dàng, chắc hẳn sẽ có tổn thương và dằn vặt, nhưng đó là cách duy nhất khiến chúng ta tìm được sự bình an và thanh thản trong tâm hồn. Đó chẳng phải là điều chúng ta hằng mong muốn hay sao. Để làm được như vậy, con mời gọi cộng đoàn, cùng với con duyệt lại nội tâm của chính mình bằng một lời kinh quen thuộc, đó là kinh Lạy Cha, cầu xin Chúa ban cho mỗi người sức mạnh để chúng ta có thể thực hành được chính lời kinh mà chúng ta vẫn hay đọc “Lạy Cha, xin tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Lạy Chúa, xin cho chúng con biết yêu thương kẻ thù ghét chúng con và sống nhân từ như lời Chúa dạy. Amen

Ý Cầu Nguyện Tháng 05

“CẦU CHO CÁC ĐIỀU KIỆN LÀM VIỆC"

Chúng ta hãy cầu nguyện để việc sử dụng công nghệ mới không thay thế các mối tương quan giữa con người với nhau, nhưng tôn trọng phẩm giá của mỗi người và giúp chúng ta đối diện với những khủng hoảng của thời đại.

Giải Đáp Hôn Nhân & Gia Đình

Số 09 – Ngăn Trở Tiêu Hôn - P2
  Giải Đáp Hôn ...
Số 08 – Ngăn Trở Tiêu Hôn
Giải Đáp Hôn Nhân ...
Số 07 - Ly Thân Theo Giáo Luật
Giải Đáp Hôn Nhân ...
Số 06 - Đặc Ân Thánh Phêrô
Giải Đáp Hôn Nhân ...
Số 05 - Đặc Ân Thánh Phaolô
Giải Đáp Hôn Nhân ...

Hạt Giống Đức Tin

HẠT GIỐNG ĐỨC TIN 113
Con người hôm nay ...
HẠT GIỐNG ĐỨC TIN 112
Như các môn đệ năm ...
HẠT GIỐNG ĐỨC TIN 111
Tưởng như Thiên ...
HẠT GIỐNG ĐỨC TIN 110
Gần đây, chúng ta ...
HẠT GIỐNG ĐỨC TIN 109
Đi theo Đức Giêsu ...

Đang Online

We have 211 guests and no members online

Tìm Kiếm...


  • 311/14/9 Đường 30/4, P. Phú Thọ,
    Tp. Thủ Dầu Một, T. Bình Dương
  • This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
  • 0274 3822 586
  • mfvietnam.org