Hỏi : xin cha giải đáp 2 thắc mắc sau đây;

1.  Nhân Tuần Thánh, kỷ niệm Chúa Giêsu lập Phép Thánh Thể, chức Linh Mục và rửa chân cho 12 Tông Đồ,  xin cho biết tại sao  Đức Thánh Cha Phanxicô đã rửa chân cho cả phụ  nữ và người ngoại Đao, thay vì truyền thống chỉ rửa chân cho  nam giới. Như vậy những người không phải là Công Giáo có được rước Lễ khi họ tham dự Thánh Lễ hay không?

2. Những người li dị từ nay  được rước lễ phải không ?

Trả lời
:


1. Việc rửa chân và rước Mình Thánh Chúa là hai việc hoàn toàn khác nhau.  Rửa  chân  chỉ  là nghi thức nhắc lại việc Chúa Giêsu xưa đã rửa chân cho 12 Tông Đồ trong  Bữa ăn sau cùng với họ, trước khi Chúa nộp mình cho những kẻ đến bắt bớ và hành  hình Chúa ngày hôm sau. Đây không phải là việc cử hành một bí tích nào của  Giáo Hội đòi buộc  tín hữu phải tham dự để được lãnh ơn cứu độ của Chúa.

Nghĩa là  không có luật nào  buộc phải tham dự nghi thức rửa chân cử hành trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm  Chúa lập Phép Thánh Thể và Chức linh muc ngày Thứ năm tuần thánh,  vì  nghi thức này không liên quan gì đến tín lý, giáo lý và luân lý , là các lãnh vực mà Đức Thánh Cha cùng các giám mục hiệp thông được ơn bất khả ngộ khi dạy dỗ các tín hữu trong Giáo Hội.  Do đó , giáo dân  không buộc phải tham dự nghi thức này  cử hành trong Tuần Thánh. Phụng vu trong Tuần Thánh chỉ buộc phải cử hành Lễ Chúa lập Phép Thánh Thể và Chức linh mục cùng làm phép Dầu Thánh ( Chrism) trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh mà thôi. Nhưng ở Tổng Giáo Phận Galveston-Houston, vì nhu cầu mục vụ, Lễ này được làm vào ngày Thứ ba Tuần Thánh, thay vì Thứ Năm và không có nghi thức rửa chân. Việc này được tùy nghi  làm ở các giáo xứ.   

Trong mấy năm qua, từ sau ngày lên ngôi Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã  rửa chân cho cả phụ nữ và tội phạm ( năm qua tại một nhà tù ở Ý). Đây  là sáng kiến riêng của ngài. Ngài có lý do  để làm như vậy, chúng ta không dám có ý kiến. Nhưng ngài cũng không buộc Giáo Hội phải làm theo gương của ngài. Nơi nào muốn làm thì tùy ý.

Nhưng không thể suy luận là Đức Thánh Cha rửa chân cho mọi người, không phân biệt nam nữ và  tôn giáo, để từ đây cho phép hết mọi người tham dự Thánh Lễ được rước Mình Thánh Chúa, không phân biệt họ có Đạo và đang sạch tội trọng hay không.   

Việc rước Mình Thánh Chúa trong Thánh Lễ Tạ Ơn ( Eucharist) là việc-tự bản chất- hoàn toàn khác biệt với việc rửa chân nói trên.

Rước Mình Máu Thánh Chúa Kitô là một việc đạo đức đòi hỏi phải có đức tin và sạch tội trọng. Phải có đức tin để tin rằng Chúa Kitô thực sự hiện diện trong hai chất thể là bánh và rượu nho. Có tin như vậy thì việc rước Mình, Máu Thánh Chúa mới sinh ích thiêng liêng cho người lãnh nhận. Không tin thì không có ích lợi  gì cho dù là người công giáo thực sự.

Phải có đức tin cũng có nghĩa là người muốn rước Mình Máu thánh Chúa , thì  phải là tín hữu Công giáo đang hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội. Như thế  các Kitô hữu ( Christians)  thuộc các giáo phái bên ngoài Giáo hội Công Giáo như các nhánh Tin Lành và Anh giáo ( Englican) kể cả  tín đồ  của các tôn giáo khác  như Phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Không Giáo, Hồi giáo… thì không được mời rước Mình , Máu Thánh Chúa Kitô ,nếu họ vì xã giao  đến tham dự Lễ với các tín hữu Công Giáo. Lý do là họ không cùng chia sẻ  một niềm tin  với Giáo Hội về Phép Thánh Thể nói chung và, cách riêng,  về việc Chúa Kitô thực sự hiện diện trong hai chất thể là  bánh và rượu nho như Giáo Hội Công Giáo tin và dạy  không sai lầm. 

Đây không phải là sự kỳ thị nào đối với các tín hữu bên ngoài Giáo Hội, mà là vì kỷ luật bí tích của Giáo hội đòi buộc người tín hữu phải cùng chung niềm tin với Giáo Hội  về Phép Thánh Thể, tức là tin có  sự biến đổi bản thể ( Transubstantiation ) của chất thể hay tùy thể ( accident )  là bánh và rượu nho thành Mình Máu Chúa Kitô. Các anh  em Tin Lành và tín hữu các tôn giáo khác   đều không chia sẻ niềm tin này, nên họ không thể được mời  lãnh nhận MÌnh Máu Chúa Kitô , nếu họ- vì xã giáo-  đến  tham dự Thánh Lễ với người Công Giáo hay Chính Thống Giáo Đông Phương. ( Eastern Orthodox Churches)

Mặt khác, muốn lãnh nhận Mình Máu Chúa Kitô cách xứng hợp, thì ngoài yếu tố phải là người Công Giáo ra , còn yếu tố quan trọng nữa là phải đang  sống trong tình trạng ơn phúc, tức là  đang không có  tội trọng ( mortal sin), vì theo giáo lý và giáo luật của Giáo Hội  thì:  “ ai đang có tội trọng thì không được làm lễ ( linh mục) và rước Lễ ( giáodân). “ ( x.SGLGHCG số, 1415; giáo luật số 916).

Như vậy, không thể trao Mình Thánh Chúa cho hết mọi người, không phân biệt tôn giáo và tình trạng tâm hồn được , vì bất cứ lý do nào.

Rửa chân cho người ngoài Công Giáo thì không vi phạm giáo lý hay tín lý nào của Giáo Hội , vì đó là việc làm  chủ yếu mang tính chất bác ái, và phục  vụ;  giống như bố thí cho người nghèo, thăm viếng  người bệnh , thăm tù nhân thì không cần phân biệt tôn giáo, nam nữ  hay đẳng cấp xã hội. Ngược lại rước Mình Máu Chúa Kitô thì phải là người Công Giáo đang sống trong tình trạng ơn phúc, nghĩa là không có tội trọng trong linh hồn như nói ở trên. Hai việc này- rước lễ  và rửa chân-  hoàn toàn khác nhau về bản chất , nên không thể loại suy việc này để làm việc kia được.

2. Về câu hỏi thứ hai
,  cần phân biệt hai trường hợp được hay không được rước lễ của người ly dị như  sau:


a. Nếu sau khi li dị ngoài tòa dân sự, mà  không sống chung với người khác như vợ chồng  thì không có gì ngăn trở  họ đi xưng tội và rước Lễ.

b. Ngược lại, nếu sau khi li di ngoài tòa dân sự và trong khi chờ phán quyết xin tiêu hôn ( annulment) nơi  Tòa hôn phối ( Tribunal) của Giáo Phận , mà lại chung sống với người khác như vợ chồng, thì tạm thời không được phép xưng tội và rước lễ, vì lý do sau đây:

Bao lâu hôn phối cũ chưa được tháo gỡ theo giáo luật, thì bấy lâu vợ chồng vẫn còn bị ràng buộc với hôn phối mà hai người đã thành hôn trong Giáo Hội. Nghĩa là việc li dị ngoài tòa án dân sự không có giá trị tiêu hôn cho hai người đã giao kết thành hôn  ở nhà thờ. Do đó, bao lâu việc xin tiêu hôn ( annulment) nơi tòa hôn phối của Giáo phận chưa được giải quyết thỏa đáng, thì bấy lâu hai vợ chồng vẫn bị ràng buộc với hôn phối cũ, dù hai người đã li dị ngoài tòa dân sự.

Do đó,  trong khi chờ đợi phán quyết của tòa hôn phối Giáo phận, mà  tự ý sống chung với người khác như vợ chồng thì tạm thời không được xưng tội và rước Lễ. Sở dĩ thế, vì khi tự ý sống chung với người khác kể cả việc tái kết hôn với người khác ở ngoài tòa dân sự sau khi li dị,  thì bị coi là phạm tội ngoại tình ( adultery) vì hôn phối cũ chưa được tháo gỡ nơi Tòa hôn phối giáo phận.  Và đây mới là trở ngại cho việc xưng tội và rước lễ của người li dị. Phạm tội ngoại  tình là tội trọng nên không được  rước lễ theo giáo lý và giáo luật của Giáo Hội  (x. giáo luật số 916, SGLGHCG số  1415). 

Nói tóm lại,  những người đã li dị ngoài tòa dân sự hay bỏ nhau để đi lấy người khác trong khi hôn phối cũ chưa được tiêu hôn ( annulled), thì tạm thời không được xưng tội và rước lễ.

Gần đây, có dự luận cho là Giáo Hội muốn đón mời ( welcome) những người li dị vào hiệp thông với Giáo Hội. Nghĩa là cho họ rước lễ như mọi người khác. Điều này không đúng, vì cho đến nay Tòa Thánh chưa hề nói  gì về  việc này, mà chỉ có chỉ thị mới cho các Tòa án hôn phối các giáo phận phải đơn giản hóa thủ tục xin tiêu hôn, để  rút ngắn thời gian cứu xét tiêu hôn  và  có thể miễn hay giảm  lệ phí cho các người xin tháo hôn phối. Ở Tổng Giáo Phận Galveston-Houston, thì lệ phí này đã được giảm từ 500 dollars xuống còn 100 dollars kể từ nay.

Sau hết, nếu hôn phối cũ chưa được thẩm quyền giáo phận cho tiêu hôn, thì tính bất khả phân ly ( indissolubility) và thành sự ( validity) ) của  hôn phối  cũ còn tồn tại  trên lý thuyết, và đang được cứu xét xem hôn phối cũ đó có thực sự đã thành sự hay không . Do đó, trong khi chờ đợi phán quyết của Tòa hôn phối, một  hay hai  người phối ngẫu  kia mà tự ý sống chung với người khác như vợ chồng, thì đã vi phạm tính bất khả phân này, và đó là tội ngoại tình như đã nói ở trên. Phạm   tội này, thì không thể xưng tội để xin tha được. Muốn tha thì phải từ bỏ việc sống chung bất hợp pháp nói trên, bao lâu hôn phối cũ chưa được cho tháo gỡ bởi thẩm quyền giáo phận. 

Ước mong  những giải đáp trên thỏa mãn các câu hỏi đặt ra.

Lm. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Ý Cầu Nguyện Tháng 01

“CẦU NGUYỆN CHO QUYỀN GIÁO DỤC"

Chúng ta hãy cầu nguyện để quyền giáo dục của những người di cư, những người tị nạn và những nạn nhân chiến tranh luôn được tôn trọng và như thế bảo đảm cho việc xây dựng một thế giới tốt hơn.

Giải Đáp Hôn Nhân & Gia Đình

Số 09 – Ngăn Trở Tiêu Hôn - P2
  Giải Đáp Hôn ...
Số 08 – Ngăn Trở Tiêu Hôn
Giải Đáp Hôn Nhân ...
Số 07 - Ly Thân Theo Giáo Luật
Giải Đáp Hôn Nhân ...
Số 06 - Đặc Ân Thánh Phêrô
Giải Đáp Hôn Nhân ...
Số 05 - Đặc Ân Thánh Phaolô
Giải Đáp Hôn Nhân ...

Hạt Giống Đức Tin

HẠT GIỐNG ĐỨC TIN 100
Khi nhận ra dấu chỉ ...
Hạt Giống Đức Tin 99
Khi nói về “thiếu ...
Hạt Giống Đức Tin 98
Kính thưa cộng đoàn ...
Hạt Giống Đức Tin 97
Hôm nay là chúa ...
Hạt Giống Đức Tin 96
Chúng ta đứng trước ...

Đang Online

We have 45 guests and no members online

Tìm Kiếm...


  • 311/14/9 Đường 30/4, P. Phú Thọ,
    Tp. Thủ Dầu Một, T. Bình Dương
  • This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
  • 0274 3822 586
  • mfvietnam.org