-
Ngày Đăng: 24 October 2024
-
Lượt xem: 105
Lễ hội Diwali được tất cả người theo Ấn Độ giáo tổ chức và còn được gọi là Lễ hội Deepavali hay “Lễ Hội Ánh Sáng”. Dựa trên thần thoại cổ đại, lễ hội này tượng trưng cho chiến thắng của sự thật trước sự dối trá, của ánh sáng trước bóng tối, của sự sống trước cái chết, của cái thiện trước cái ác.
Thông Điệp Của Bộ Đối Thoại Liên Tôn Gửi Người Ấn Giáo
Nhân Dịp Lễ Hội Deepavali Năm 2024
24.10.2024
Lễ hội Diwali được tất cả người theo Ấn Độ giáo tổ chức và còn được gọi là Lễ hội Deepavali hay “Lễ Hội Ánh Sáng”. Dựa trên thần thoại cổ đại, lễ hội này tượng trưng cho chiến thắng của sự thật trước sự dối trá, của ánh sáng trước bóng tối, của sự sống trước cái chết, của cái thiện trước cái ác.
Lễ hội thường kéo dài trong ba ngày, đánh dấu sự khởi đầu của một năm mới, sự hòa giải gia đình, đặc biệt là giữa anh chị em và sự thờ phượng Thượng Đế. Năm nay, lễ hội sẽ được nhiều người theo Ấn Độ giáo tổ chức vào ngày 01 tháng 11.
Nhân dịp này, Bộ Đối Thoại Liên Tôn đã gửi cho họ một thông điệp với chủ đề: “Kitô hữu và Người Ấn giáo: Thúc đẩy sự hòa hợp giữa những đa dạng và bất kể những khác biệt”.
Sau đây là toàn văn thông điệp:
Kitô hữu và Người Ấn giáo: Thúc đẩy sự hòa hợp giữa những đa dạng và bất kể những khác biệt”.
Các bạn thân mến,
Trong niềm hân hoan và trong tâm tình cầu nguyện, Bộ Đối Thoại Liên Tôn gửi đến các bạn lời chúc mừng trong dịp các bạn kỷ niệm lễ hội ánh sáng Deepavali vào ngày 31 tháng 10 năm nay. Nguyện xin Thiên Chúa, suối nguồn Ánh sáng, lấp đầy tâm trí và trái tim các bạn bằng sự bình an và niềm vui, và xuống trên gia đình và cộng đồng của các bạn ân sủng và hạnh phúc!
Hơn bao giờ hết, các thành phố và quốc gia của chúng ta đang ngày càng trở nên đa dạng hơn. Do lựa chọn hay do tình cờ, những người đến từ các nền văn hóa, tôn giáo, dân tộc, ngôn ngữ và hệ tư tưởng khác nhau sống bên cạnh nhau, và điều này diễn ra ở hầu hết mọi nơi trên thế giới. Sự đa dạng này được hầu hết mọi người coi là nguồn mạch tuyệt vời cho sự phát triển, học hỏi và làm phong phú lẫn nhau. Đồng thời, sự đa dạng cũng bị từ chối ở một số nơi trên thế giới vì được coi là mối đe dọa tiềm tàng đối với sự hòa hợp, thậm chí dẫn đến xung đột. Vì chúng tôi quan tâm đến vấn đề này, chúng tôi muốn chia sẻ với bạn một số suy nghĩ về cách mà cả các Kitô hữu và tín đồ Ấn Độ giáo có thể thúc đẩy sự hòa hợp giữa những đa dạng và bất kể sự khác biệt.
Trong suốt chiều dài lịch sử, con người luôn gặp khó khăn trong việc sống hòa hợp với nhau. Thật vậy, sự khó khăn này đã xảy ra bất cứ khi nào có sự đa dạng và khác biệt giữa các dân tộc, đôi khi dẫn đến những biểu hiện kháng cự cách công khai hay kín đáo. Tuy nhiên, như Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói: “Trong sự chuyển biến của lịch sử và trong sự đa dạng của các dân tộc, xã hội và nền văn hóa, chúng ta thấy hạt giống ơn gọi làm trổ sinh một cộng đồng gồm những anh chị em chấp nhận và chăm sóc lẫn nhau.” (Đức Giáo hoàng Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti, 96, 03.10.2020). Do đó, những nỗ lực xây dựng sự hòa hợp được khơi nguồn từ sự đa dạng. Hơn nữa, hạt giống của sự hòa hợp chỉ có thể được gieo và thu hoạch thông qua “việc tôn trọng sự đa dạng bằng cách tạo cơ hội thăng tiến và hòa nhập xã hội cho tất cả mọi người.” (Ibid. 220).
Trong dự án thiêng liêng, sự đa dạng và khác biệt không phải là mối đe dọa đến sự hiện hữu của bất kỳ ai, mà chúng là món quà cho sự chung sống hòa hợp. Chúng là những bức khảm tạo nên kết cấu một tòa nhà đa dạng mà con người thuộc mọi màu da, tín ngưỡng và nền văn hóa có thể chung sống. Hơn nữa, sự đa dạng và khác biệt thể hiện nhân tính của chúng ta dưới những biểu hiện khác nhau. Chúng làm cho chúng ta nên phong phú, và giúp chúng ta biết tôn trọng sự đa dạng.
Thật tiếc là tầm nhìn thiêng liêng về việc thúc đẩy sự hòa hợp thông qua quyền năng của Chúa, thực hiện trong và thông qua sự đa dạng, đã bị thay thế bởi các hệ tư tưởng ủng hộ sự loại trừ, phân biệt đối xử và đồng hòa, ở cả cấp độ cá nhân và tập thể. Chủ nghĩa cơ yếu tôn giáo, chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa cuồng tín, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở nhiều nơi trên thế giới là một số ví dụ về các hệ tư tưởng phá hủy sự hòa hợp và gây ra sự nghi ngờ, định kiến, ngờ vực, hận thù và sợ hãi giữa mọi người, do đó cản trở họ tạo ra các mối tương quan duy trì tình anh em và tình bằng hữu xã hội của con người.
Hơn bao giờ hết, chúng ta vừa phải tái khám phá kế hoạch thiêng liêng dành cho nhân loại, vừa nuôi dưỡng trong cộng đồng, thành phố và quốc gia của chúng ta tinh thần huynh đệ gắn kết mọi người lại với nhau như những người con của Chúa và như những người anh chị em. Kết quả là chúng ta sẽ có thể xây dựng những nhịp cầu nối kết và đánh bại mọi hình thức gây ra đau khổ do bởi bất đồng đạo đức, kinh tế và xã hội (x. Đức Giáo hoàng Phanxicô, Diễn văn, Cuộc họp với các nhà chức trách, Xã hội dân sự và Đoàn ngoại giao, Jakarta, 04.09.2024).
Gieo hạt giống hòa hợp giữa những đa dạng và bất kể sự khác biệt là một nhu cầu thiết thực đòi hỏi hành động cụ thể và chung sức đồng lòng từ tất cả các cá nhân, gia đình, tổ chức giáo dục, phương tiện truyền thông, cộng đồng và quốc gia. Tất cả chúng ta cần phải không ngừng phá bỏ định kiến, nuôi dưỡng sự đồng cảm, biết nhạy bén và tôn trọng những người khác biệt với chúng ta. Chúng ta cũng cần thúc đẩy đối thoại ở mọi cấp độ để nâng cao nhận thức, hiểu biết và tôn trọng sự đa dạng và khác biệt. Với tiềm năng to lớn, các tôn giáo có thể tạo ra các điều kiện thuận lợi cho sự hòa hợp trong xã hội; vì thế, tất cả các nhà lãnh đạo tôn giáo đều có nhiệm vụ thiêng liêng là khuyến khích các tín đồ của mình phấn đấu vì sự hòa hợp.
Là những tín đồ có nền tảng là truyền thống tôn giáo riêng của mình và là những người có chung cam kết củng cố sự chung sống hòa hợp trong xã hội, chúng ta, những Kitô hữu và tín đồ Ấn giáo, hãy chung tay với những người theo các truyền thống tôn giáo khác và với những người thành tâm thiện chí, làm tất cả những gì có thể để thúc đẩy sự hòa hợp giữa sự đa dạng và bất kể những khác biệt “với tinh thần trách nhiệm, trong tình huynh đệ và lòng bao dung” (Đức Giáo hoàng Phanxicô, Gặp gỡ các nhà chức trách, xã hội dân sự và đoàn ngoại giao, Singapore, 12.09.2024).
Một lần nữa, chúng tôi kính chúc các bạn một mùa lễ hội Deepavali thật vui vẻ!
Đức Hồng Y Miguel Ángel Ayuso Guixot, MCCJ,
Tổng trưởng
Đức ông Indunil Janakaratne Kodithuwakku Kankanamalage
Thư ký
Chuyển ngữ: Hoàn Nguyên – Ban Dịch Thuật MFVN
Ý Cầu Nguyện Tháng 11
“CẦU NGUYỆN CHO NHỮNG NGƯỜI ĐÃ MẤT CON"
Chúng ta hãy cầu nguyện để tất cả những người cha mẹ phải than khóc vì cái chết của người con trai hay con gái, tìm thấy sự nâng đỡ của cộng đoàn và nhận được từ Thánh Thần an ủi sự bình an trong tâm hồn.
Giải Đáp Hôn Nhân & Gia Đình
Hạt Giống Đức Tin
Tài Liệu- Suy Tư
Đang Online
We have 181 guests and no members online