-
Ngày Đăng: 20 July 2021
-
Lượt xem: 863
TÔNG THƯ
BAN HÀNH DƯỚI DẠNG TỰ SẮC
CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
“TRADITIONIS CUSTODES”
về việc sử dụng Nghi Thức Thánh Lễ Rôma
trước cuộc Cải tổ năm 1970
Là những người giữ gìn truyền thống, các giám mục đang hiệp thông với Giám mục Rôma làm nên nguyên lý hữu hình và nền tảng của sự hợp nhất nơi các Hội thánh địa phương[1]. Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, qua việc loan báo Tin Mừng và nhờ việc cử hành Thánh Thể, các ngài lãnh đạo các Hội thánh địa phương đã được trao phó cho các ngài[2].
Để cổ võ sự thông hảo và hợp nhất trong Hội Thánh, với mối quan tâm của tấm lòng hiền phụ đối với những người ở các địa phương vẫn còn gắn bó với những dạng thức phụng vụ trước thời kỳ cải tổ theo Công đồng Vatican II, các vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, là thánh Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI, đã chấp thuận và hợp thức hóa năng quyền sử dụng Sách Lễ Rôma theo ấn bản năm 1962 của Đức Gioan XXIII[3]. Qua đó các ngài muốn “tạo điều kiện dễ dàng cho sự hiệp thông với Hội thánh nơi những tín hữu công giáo còn cảm thấy gắn bó đối với một số dạng thức phụng vụ đã có trước đây” nhưng không phải đối với những vấn đề khác[4].
Trong ý hướng của vị tiền nhiệm đáng kính của tôi là Bênêđictô XVI, muốn mời gọi các giám mục nhận định về việc áp dụng Tự sắc Summorum Pontificum sau 3 năm được phổ biến, Bộ Giáo lý Đức tin trong năm 2020 đã thực hiện việc tham khảo ý kiến chi tiết của các giám mục. Kết quả cuộc tham khảo đã được nghiệm xét cẩn thận trong ánh sáng của kinh nghiệm đã kết thành trong những năm vừa qua.
Giờ đây, theo ước nguyện của hàng giám mục và sau khi lắng nghe ý kiến của Bộ Giáo lý Đức tin, tôi công bố Tông thư này với ý muốn nhấn mạnh hơn bao giờ hết về thái độ không ngừng tìm kiếm sự hợp nhất trong Hội thánh. Vì thế, tôi thấy cần phải thiết lập các quy định sau đây:
Điều 1. Các sách phụng vụ được ban hành do Thánh Phaolô VI và thánh Gioan-Phaolô II, phù hợp với các sắc lệnh của Công đồng Vatican II, là cách thể hiện duy nhất của lex orandi trong Nghi lễ Rôma.
Điều 2. Trong cương vị là người điều hành, cổ võ và bảo vệ toàn bộ đời sống phụng vụ nơi Hội thánh địa phương đã được trao phó cho ngài[5], giám mục giáo phận có bổn phận đưa ra những quy định về các cử hành phụng vụ trong giáo phận[6]. Vì thế, chỉ riêng ngài có quyền cho phép sử dụng Sách Lễ Rôma 1962 trong giáo phận của ngài, theo sự hướng dẫn của Tòa thánh.
Điều 3. Nếu hiện giờ trong giáo phận đang có một hoặc nhiều nhóm cử hành theo Sách Lễ trước cuộc cải tổ năm 1970, giám mục giáo phận phải:
- 1. xác định rõ là các nhóm đó không được chối bỏ tính cách thành sự và hợp pháp của công cuộc cải tổ phụng vụ theo chỉ thị của Công đồng Vatican II và Huấn quyền của các giáo hoàng;
- 2. chỉ định một hoặc nhiều địa điểm cho các tín hữu thuộc những nhóm này có thể quy tụ để cử hành Thánh Thể (tuy nhiên không được chọn các nhà thờ giáo xứ và không được lập những giáo xứ tòng nhân mới);
- 3. ấn định các ngày cử hành Thánh Thể tại những nơi đã được chỉ định, trong đó được phép sử dụng Sách Lễ Rôma do thánh Gioan XXIII ban hành năm 1962[7]. Trong các cử hành này, đọc các bài đọc trong ngôn ngữ địa phương, dùng bản dịch Kinh Thánh đã được các Hội đồng Giám mục phê chuẩn để sử dụng trong phụng vụ;
- 4. bổ nhiệm một linh mục đại diện giám mục, phụ trách việc cử hành và chăm lo mục vụ cho các nhóm tín hữu này. Linh mục được bổ nhiệm phải thích hợp với trách nhiệm này, thành thạo trong việc sử dụng Sách Lễ Rôma có trước cuộc cải tổ năm 1970, biết tiếng Latinh đủ để thấu hiểu luật chữ đỏ và các bản văn phụng vụ, đồng thời cũng đầy nhiệt tình mục vụ và cảm thức về mối hiệp thông trong Hội thánh. Linh mục này phải luôn chủ tâm không chỉ cử hành phụng vụ đúng luật, mà còn lo chăm sóc đời sống mục vụ và tu đức của các tín hữu.
- 5. nhận định chính xác để xét xem các giáo xứ được thiết lập theo giáo luật vì lợi ích của các tín hữu này, có thực sự hữu hiệu cho sự tăng triển trong đời sống thiêng liêng của họ không, và xác định xem có nên giữ lại các giáo xứ như vậy không;
- 6. lưu ý không cho phép lập thêm các nhóm mới.
Điều 4. Các linh mục chịu chức sau thời điểm công bố Tự sắc này, nếu muốn cử hành theo Sách Lễ Rôma 1962, phải có thỉnh nguyện thư chính thức gửi cho giám mục giáo phận, giám mục sẽ lĩnh ý Tòa Thánh trước khi cho phép.
Điều 5. Các linh mục đã từng cử hành theo Sách Lễ Rôma 1962, phải xin giám mục giáo phận cho phép tiếp tục hưởng năng quyền này.
Điều 6. Các Tu hội sống đời thánh hiến và các Hiệp hội đời sống tông đồ, đã do Ủy ban Giáo hoàng Ecclesia Dei thiết lập, nay trực thuộc thẩm quyền của Bộ Đời sống thánh hiến và Hiệp hội Đời sống tông đồ.
Điều 7. Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích, cùng với Bộ phụ trách Đời sống thánh hiến và Hiệp hội Đời sống tông đồ, đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền riêng của mỗi Bộ, thi hành theo quyền Tòa Thánh và quan tâm đến việc tuân thủ các điều đã dự liệu ở đây.
Điều 8. Các quy định, huấn thị, các điều đã được cho phép và cách thực hành trước đây, nếu không phù hợp với những điều được dự liệu trong Tự sắc này, đều bị hủy bỏ.
Từng điều được tuyên bố trong Tông Thư dưới dạng Tự sắc này, tôi truyền phải tuân thủ trọn vẹn, những điều trái nghịch đều không có giá trị, tuy dù vẫn đáng được đề cập đến cách đặc biệt, và tôi quyết định Tự sắc này phải được công bố trên báo “L’Osservatore Romano”, có hiệu lực tức khắc, và vì thế, phải được công bố trên đặc san Công luận chính thức của Tòa Thánh, Acta Apostolicae Sedis.
Ban hành tại Rôma, Đền Thánh Gioan Latran, ngày 16 tháng 7 năm 2021, lễ nhớ Đức Mẹ núi Carmel, năm thứ chín trong sứ vụ Giáo Hoàng của tôi.
Phanxicô
Bản dịch của Ủy ban Phụng tự / HĐGM VN
[1] X. Công đồng Vatican II, Hiến chế tín lý về Hội Thánh “Lumen Gentium”, 21.11.1964, số 23 AAS 57 (1965) 27.
[2] X. Công đồng Vatican II, Hiến chế tín lý về Hội Thánh “Lumen Gentium”, 21.11.1964, số 27: AAS 57 (1965) 32; Công đồng Vatican II, Sắc lệnh về phận vụ mục tử của các giám mục trong Hội Thánh “Christus Dominus”, 28.10.1965, số 11: AAS 58 (1966) 677-678; Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 833.
[3] X. Gioan-Phaolô II, Tự sắc “Ecclesia Dei”, 2.7.1988: AAS 80 (1988) 1495-1498; Bênêđictô XVI, Tự sắc “Summorum Pontificum”, 7.7.2007: AAS 99 (2007) 777-781; Tông thư ban hành dưới dạng Tự sắc “Ecclesiae unitatem”, 2.7.2009: AAS 101 (2009) 710-711.
[4] Gioan-Phaolô II, Tự sắc “Ecclesia Dei”, 2.7.1988, số 5: AAS 80 (1988) 1498.
[5] X. Công đồng Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ “Sacrosanctum Concilium”, 4.12.1963, số 41: AAS 56 (1964) 111; Caeremoniale Episcoporum, số 9; Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích, Huấn thị về một số điều phải giữ hoặc phải tránh liên quan đến Bí tích Thánh Thể “Redemptionis Sacramentum”, 25.3.2004, số 19-25: AAS 96 (2004) 555-557.
[6] X. Giáo Luật, khoản 375, §1; khoản 392.
[7] X. Bộ Giáo lý Đức tin, Sắc lệnh “Quo magis” phê chuẩn bảy kinh Tiền tụng dành cho forma extraordinaria trong Nghi lễ Rôma 22.2.2020, Sắc lệnh “Cum sanctissima” về cử hành phụng vụ kính các thánh theo forma extraordinaria trong Nghi lễ Rôma 22.2.2020: L’Osservatore Romano, 26.3.2020, trang 6.
Ý Cầu Nguyện Tháng 12
“CẦU NGUYỆN CHO NHỮNG NGƯỜI HÀNH HƯƠNG HY VỌNG"
Chúng ta hãy cầu nguyện để Năm Thánh mở ra cho chúng ta sự tăng cường về đức tin, giúp chúng ta nhận biết Đức Kitô phục sinh ở giữa cuộc đời chúng ta, biến đổi chúng ta thành những người hành hương đầy hy vọng Kitô giáo.
Giải Đáp Hôn Nhân & Gia Đình
Hạt Giống Đức Tin
Chuyên Đề
Đang Online
We have 167 guests and no members online