Chết treo thập giá khổ đau,

Chúa dùng cách đó khởi đầu vinh quang.

Máu hồng tẩy rửa trần gian,

Muôn người được gọi thần dân Nước Trời. 

Dựng nên, cứu chuộc con người,

Chúa còn thánh hóa, muôn đời là Vua.

VUA GIÊSU BỊ TREO TRÊN THẬP GIÁ

(2Sm 5, 1-3; Cl 1, 12-20; Lc 23, 35-43)

 

Cộng đoàn phụng vụ thân mến!

Ắt hẳn ai trong chúng ta cũng đều mong muốn một đời sống hạnh phúc, nhưng chúng ta đặt để hạnh phúc của mình ở nơi đâu? Là người Công giáo, chúng ta được mời gọi sống lý tưởng kiên định, đó chính là niềm hạnh phúc trong Đức Giêsu Kitô. Thật là ý nghĩa khi Chúa Nhật cuối năm phụng vụ, chúng ta long trọng mừng Lễ Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ trụ. 

XÉT VỀ LỊCH SỬ, Lễ Chúa Kitô Vua được Đức Giáo Hoàng Piô XI thiết lập vào ngày 11-12-1925. Đặt lễ Chúa Kitô Vua trong Chúa nhật cuối cùng năm phụng vụ, Giáo Hội muốn nhắc nhở, Đức Kitô chính là Vua của vũ trụ, Ngài là chủ của thời gian, chủ của lịch sử nhân loại và là chủ của lịch sử mỗi người chúng ta. Chúa Kitô vượt trên thời gian, để mãi mãi là vị Vua vĩnh cửu. 

XÉT VỀ Ý NGHĨA THẦN HỌC, có rất nhiều tước hiệu để diễn tả về Vua Giêsu Kitô. Trong bài chia sẻ này, con xin được gợi lên BA đặc tính về tước hiệu “Vua Giêsu bị treo trên thập giá”, một tước hiệu rất đặc biệt của Vua Giêsu. Mong rằng qua bài chia sẻ, chúng ta có thêm những chất liệu suy tư, hầu kín múc nguồn ân sủng dồi dào nơi hình ảnh thập giá chúng ta vẫn chiêm ngắm hằng ngày.

THỨ NHẤT, CHÚNG TA CHIÊM NGẮM HÌNH ẢNH VỊ VUA TRÊN THẬP GIÁ BỊ NHẠO BÁNG. 

Trong Tin mừng hôm nay, thánh Luca đã cho chúng ta thấy rõ hình ảnh ấy. Vị Vua bị các thủ lãnh thế gian lăng nhục: “Hắn cứu được người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa, là người được Chúa tuyển chọn!” (Lc 23,36). Bọn lính tráng cũng chế giễu: “Nếu ông là vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi!”. (Lc 23, 38). Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi nữa!” (Lc 23,40). Và như để nối dài lời nhạo báng, lính tráng còn đóng tấm bảng ghi chữ “INRI”, viết tắt câu Latin: Iesus Nazarenus, Rex Judaeorum, nghĩa là “Người này là Vua dân Do Thái”. Quả thật, những lời chế giễu, nhục mạ là những thách thức và cám dỗ gay gắt đối với Đức Giêsu. 

Dù là bản án, là sỉ nhục đến tận cùng, nhưng đó lại là cách Chúa dùng để trở thành Vua của chúng ta, để tỏ bày sự cảm thông với những thử thách, đau khổ và nhất là điểm tận cùng của chúng ta, là sự chết. Đức Giêsu không muốn làm Vua theo kiểu loài người, ở xa và ở trên cao, rồi bắt người khác phải phục vụ mình. Nhưng, Đức Giêsu muốn làm Vua theo cách thức của Thiên Chúa, đó là cảm thông với mọi đau khổ của chúng ta, nhất là dùng: chính sự chết, để chiến thắng sự chết; dùng sự phục sinh để thông ban sự phục sinh cho loài người.

THỨ HAI, HÌNH ẢNH VỊ VUA BỊ TREO TRÊN THẬP GIÁ, ĐỂ THIẾT LẬP VƯƠNG QUYỀN NƯỚC THIÊN CHÚA. 

Nói đến vua, chúng ta thường nghĩ đến con người uy quyền, đầu đội vương miện, mình mặc cẩm bào, ngồi trên ngai vàng xét xử hạng lê dân bách tính. Và ngày hôm nay, người ta còn nói đến vua xe hơi, vua bóng đá, vua vi tính… Đó là những thần tượng tiền tài-danh vọng-địa vị của con người thời đại. Nhưng Chúa Giêsu là Vua không phải theo kiểu trần thế ấy, vương quyền của Ngài không theo kiểu chính trị. Chúa Giêsu là vua sự thật, vua của niềm tin. Vương quyền Chúa Giêsu là vương quyền yêu thương, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần. 

Như trong bài đọc hai, Thánh Phaolô đã diễn tả: “Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự, Người đứng hàng đầu” (Cl 1, 18). Ngài là tiền phong của nhân loại đã mở một lối đi cho chúng ta. Nhờ máu Ngài đổ ra trên thập giá, Ngài đã quy tụ muôn người thành một vương quốc, thành một dân riêng. Vương quốc và dân riêng này sẽ tồn tại cho đến muôn ngàn đời. Vương quốc Chúa Giêsu không có sức mạnh của vũ khí và quân đội, mà chỉ có sức mạnh của TÌNH YÊU và THA THỨ, vương quốc ấy không có tên trên bản đồ thế giới, nhưng lại ở trong trái tim con người. Chỉ những ai tin và sống trong tình yêu Thiên Chúa mới thuộc vương quốc của Ngài. 

THỨ BA, HÌNH ẢNH VỊ VUA TRÊN THẬP GIÁ, BIỂU TỎ VƯƠNG QUỐC TÌNH YÊU CỦA NGÀI. 

Cụ thể, Chúa Kitô đã phong thánh cho một trong hai tên cướp bị đóng đinh cùng với Người. Anh ta đã sám hối, tin nhận và phó mình cho Đức Giêsu, Vị Vua mà anh đã tuyên xưng: “Lạy Ngài, khi vào Nước Ngài, xin nhớ đến tôi!”(Lc 23,42). Và Đức Giêsu đã nhận lời anh cầu xin: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43). Làm vua tình yêu là như thế, “quân vô hiến ngôn”, Người đã “trước sau như một” mà thực hiện điều Người không ngừng dạy bảo: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15, 13). 

Và Người cũng đòi hỏi các môn đệ mình: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mt 16,25). Thật vậy, người nào muốn tiến tới vinh quang phải bước qua con đường tự hiến, liều mất mạng sống mình vì tình yêu. Phục sinh là cùng đích, còn thập giá là con đường dẫn tới đích. Nhưng linh hồn của thập giá là tình yêu. Thiếu tình yêu, thập giá (tức là đau khổ, hy sinh và cái chết) sẽ trở nên không những là nặng nề, mà còn vô nghĩa và vô lý. Chúa Giêsu đã thiết lập vương quốc của mình bằng một cái chết vì tình yêu. Sống chính là chết vì tình yêu, và thống trị là hạ mình phục vụ cho đến chết vì sự sống của kẻ khác.

Từ ba đặc tính vừa được nêu ra về vị Vua Giêsu bị treo trên thập giá, chúng ta cùng nhìn đời sống của mỗi người chúng ta hôm nay.

MỖI NGƯỜI CHÚNG TA HÃY XÉT XEM, Đức Giêsu đã thật sự là Vua của chúng ta chưa? Ngài đã chiếm trọn vẹn trái tim ta chưa, đã thật sự ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi tư tưởng, lời nói và việc làm của ta chưa? Ngài là vua của tâm hồn ta? Hay là của tiền bạc, quyền lực, danh vọng, địa vị, lạc thú? Và chúng ta đã đáp trả lại tình yêu của vị Vua này như thế nào?

Kính thưa cộng đoàn,

Mừng lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ hôm nay, ngang qua tước hiệu: “Vua Giêsu bị treo trên thập giá”, mỗi người chúng ta được mời gọi hãy luôn sẵn sàng tiếp nhận Chúa Giêsu Kitô và tuyên xưng Ngài là Vua, qua việc dấn thân bước theo con đường phục vụ cho đến cùng, và xây dựng vương quốc của Chúa Kitô ngay trên trần gian này, vương quốc của tình yêu. 

Lạy Chúa Giêsu là Vua của chúng con, mỗi một lần chúng con xây dựng vương quốc của Chúa bằng một cử chỉ yêu thương, tha thứ và đùm bọc lẫn nhau, xin Chúa đến thì thầm với chúng con lời hứa của Ngài cho người trộm lành rằng: “Hôm nay đây, con sẽ ở cùng Ta trong vương quốc của Ta”. Amen.

Tu sĩ Gioanbaotixita Lưu Quang Vinh, M.F.

Ý Cầu Nguyện Tháng 12

“CẦU NGUYỆN CHO NHỮNG NGƯỜI HÀNH HƯƠNG HY VỌNG"

Chúng ta hãy cầu nguyện để Năm Thánh mở ra cho chúng ta sự tăng cường về đức tin, giúp chúng ta nhận biết Đức Kitô phục sinh ở giữa cuộc đời chúng ta, biến đổi chúng ta thành những người hành hương đầy hy vọng Kitô giáo.

Giải Đáp Hôn Nhân & Gia Đình

Số 09 – Ngăn Trở Tiêu Hôn - P2
  Giải Đáp Hôn ...
Số 08 – Ngăn Trở Tiêu Hôn
Giải Đáp Hôn Nhân ...
Số 07 - Ly Thân Theo Giáo Luật
Giải Đáp Hôn Nhân ...
Số 06 - Đặc Ân Thánh Phêrô
Giải Đáp Hôn Nhân ...
Số 05 - Đặc Ân Thánh Phaolô
Giải Đáp Hôn Nhân ...

Hạt Giống Đức Tin

Hạt Giống Đức Tin 96
Chúng ta đứng trước ...
Hạt Giống Đức Tin 95
Mừng lễ Chúa Kitô ...
Hạt Giống Đức Tin 94
“Ai muốn cứu mạng ...
Hạt Giống Đức Tin 93
"Thấy vậy mà không ...
HẠT GIỐNG ĐỨC TIN 92
Từ ngàn xưa người ...

Đang Online

We have 145 guests and no members online

  • 311/14/9 Đường 30/4, P. Phú Thọ,
    Tp. Thủ Dầu Một, T. Bình Dương
  • This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
  • 0274 3822 586
  • mfvietnam.org