-
Ngày Đăng: 11 November 2022
-
Lượt xem: 446
Trước tiên, việc “từ bỏ chính mình” bao gồm những gì thuộc về mình. Điều này chính Đức Giêsu đã liệt kê là: dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống” (Lc 14,26). Chợt nghe, chúng ta cảm thấy việc dứt bỏ thật nhẹ nhàng và dễ làm. Tuy nhiên, kèm theo sau là những sự đau đớn, vì trong chọn lựa luôn đồng có nghĩa loại trừ. Các thánh Tử đạo của chúng ta đã làm gương trong việc chọn lựa này.
CHỌN LỰA VÀ TRUNG THÀNH
(2 Mcb 7,1.20-23.277-29; Rm 8,31b-39; Lc 9, 23-26)
Kính thưa cộng đoàn, phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta đáp lại tình yêu của Thiên Chúa. Lời đáp lại ấy cần được cất lên từ trong tâm hồn, đến lời nói, và hành động, đồng thời bao gồm việc chọn lựa từ bỏ và trung thành mỗi ngày.
Trong bài đọc I, sách Macabê thuật lại cuộc tử đạo của bảy anh em và cả người mẹ. Khi vua Antôôkhô bắt họ phải ăn thịt heo là thức ăn mà luật Môsê cấm. Cả bảy anh em đã can đảm chọn tất cả những cực hình và chịu chết. Đáng khâm phục hơn là bà mẹ, bà đã can đảm chịu nhìn bảy người con lần lượt chết. Không những vậy, bà còn khuyên người con út: “Không phải mẹ ban cho các con thần khí và sự sống” nhưng là “chính Đấng Tạo Hóa” đã nắn đúc nên loài người. Trong bài đọc II, thánh Phaolô nhắc lại về tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta, và chúng ta luôn luôn được ở trong tình yêu đó. Nếu chúng ta chọn ở lại trong tình yêu ấy, dù sự sống hay sự chết cũng không thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, được thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu cho chúng ta thấy các điều kiện khi muốn đi theo Ngài. Điều kiện đó là “từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày.”
Trước tiên, việc “từ bỏ chính mình” bao gồm những gì thuộc về mình. Điều này chính Đức Giêsu đã liệt kê là: dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống” (Lc 14,26). Chợt nghe, chúng ta cảm thấy việc dứt bỏ thật nhẹ nhàng và dễ làm. Tuy nhiên, kèm theo sau là những sự đau đớn, vì trong chọn lựa luôn đồng có nghĩa loại trừ. Các thánh Tử đạo của chúng ta đã làm gương trong việc chọn lựa này. Các ngài đã chọn và trung thành với sự chọn lựa của mình. Sự thường, đứng trước hai sự lựa chọn, một là sống, hai là chết, ai cũng phải lưỡng lự và sợ hãi. Các thánh cũng vậy, các ngài cũng sợ hãi, cũng đau đớn khi phải chịu những tra tấn tinh thần hay thể xác. Tra tấn về tinh thần khi thấy người đồng đạo với mình bước qua thập giá, chối đạo cách dễ dàng và được sống. Tra tấn về phần xác khi các ngài bị hành xử từng bộ phận trên cơ thể. Các ngài đã anh dũng hy sinh vì chọn lựa của mình. Các ngài đã chịu chết hầu minh chứng rằng Thiên Chúa luôn ở cùng và yêu thương các ngài. Khi chúng ta trong hoàn cảnh của các ngài, liệu chúng ta có chịu đựng được các thử thách đó hay sẵn sàng bước qua thập giá?
Ngày nay, những thử thách còn đầy dẫy đặt ra cho các Kitô hữu. Chẳng hạn, khi tuyên xưng là người Công Giáo thì không được làm những công việc có quyền thế và địa vị trong xã hội, hay bị trù dập không có cơ hội kiếm miếng cơm manh áo. Thật khó khăn trong chọn lựa khi phải lo lắng về “lương thực hằng ngày” cho mình và cho người thân trong gia đình. Có nhiều người đã mạnh dạn thề không còn theo Đức Giêsu nữa để có được những lợi lộc trần gian. Việc từ bỏ những gì thuộc về mình là một điều khó, còn việc từ bỏ chính mình lại là một điều khó hơn. Chúng ta sẽ tự hỏi: nếu từ bỏ chính mình thì chúng ta sẽ được lại gì? Chính Đức Giêsu đã trả lời cho chúng ta là: “Ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9,24b). Ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích rửa tội, chúng ta đã được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa trong nước thanh tẩy là chính Máu của Đức Giêsu Kitô. Chính nhờ Máu ấy mà Đức Giêsu đã chết vì chúng ta. Vậy, chẳng phải chúng ta đã chết một lần cho con người cũ của mình hay sao? Điều này thánh Phaolô đã khẳng định: “Khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người. Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,3-4). Tuy nhiên, ngày qua ngày, chúng ta đã quên đi Bí tích Thanh Tẩy chúng ta đã lãnh nhận mà không nhớ rằng “chúng ta là những người sống đã từ cõi chết trở về.” Do đó, chúng ta hãy “hiến toàn thân cho Thiên Chúa và dùng chi thể của mình như khí cụ để làm điều công chính, phục vụ Thiên Chúa” (x. Rm 6,13b).
Điều kiện thứ hai là việc trung thành “vác thập giá mình hằng ngày.” Đây là thập giá của chính mình và của riêng mình mà chúng ta phải mang, phải vác. Chúa không nói chúng ta mang thập giá của mình cho người khác vác thay. Thập giá này chính là sự chọn lựa ở điều kiện thứ nhất khi chúng ta “từ bỏ chính mình.” Điều này muốn nói rằng: chúng ta không thể nói yêu Chúa và yêu người nếu như chúng ta không hy sinh và chịu đau khổ. Các thánh tử đạo xưa đã trung thành vác thập giá của mình để minh chứng niềm tin và tình yêu đối với Thiên Chúa và mọi người. Khi vác thập giá, Đức Giêsu đã chịu sức nặng và mệt mỏi tới nỗi phải ngã gục ba lần, tuy nhiên, Ngài vẫn gượng dậy và trung thành vác đi cho đến cùng. Noi gương Thầy mình, các thánh Tử đạo đã trung tín trong sự chọn lựa “ở lại với Thầy” để được sống đời đời. Không những trung tín trong chọn lựa ấy mà các ngài còn động viên người khác cùng trung tín. Các ngài luôn ý thức rằng: các ngài không ở một mình mà còn có cộng đoàn và Đức Giêsu ở cùng nữa. Trong cuộc hành tiến bước mỗi ngày, noi gương các các thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta cũng cần luôn ý thức có sự đồng hành và hiện diện của Chúa và của cộng đoàn. Mỗi khi chúng ta yếu đuối muốn ngừng vác thập giá, hãy trở lại với cộng đoàn để lấy được động lực bước tiếp. Mỗi khi chúng ta vấp ngã trong tội lỗi, hãy trở về bên Chúa để được chữa lành và thêm sức.
Chúng con xin hiệp cùng với các thánh và thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh mà thưa lên rằng: “Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy quyền năng của Chúa, xin cứu giúp chúng con, để trong sự yếu đuối của con, sức mạnh của Chúa được biểu lộ và tôn vinh trước mặt thế gian, kẻo những thù địch của Chúa lên mặt vì thất con bị lung lạc.”
Nhờ lời chuyển cầu của các thánh Tử Đạo chúng con mừng kính hôm nay, xin Chúa ban ơn soi sáng và nghị lực cho chúng con biết chọn lựa từ bỏ chính mình và trung thành vác thập giá đời mình mà theo Chúa cho tới cùng. Trên đường đi, cho dù sức nặng của thập giá có ghì đè chúng con vấp ngã, xin cho chúng con biết tìm đến Chúa qua việc lãnh nhận các Bí tích hầu chúng con có đủ sức can đảm đứng lên bước tiếp. Amen.
Tu sĩ, G.B. Nguyễn Văn Tình, MF.
Ý Cầu Nguyện Tháng 12
“CẦU NGUYỆN CHO NHỮNG NGƯỜI HÀNH HƯƠNG HY VỌNG"
Chúng ta hãy cầu nguyện để Năm Thánh mở ra cho chúng ta sự tăng cường về đức tin, giúp chúng ta nhận biết Đức Kitô phục sinh ở giữa cuộc đời chúng ta, biến đổi chúng ta thành những người hành hương đầy hy vọng Kitô giáo.
Giải Đáp Hôn Nhân & Gia Đình
Hạt Giống Đức Tin
Chuyên Đề
Đang Online
We have 84 guests and no members online