-
Ngày Đăng: 14 February 2025
-
Lượt xem: 58
Đức Phanxicô nói: “Chuẩn bị bài giảng đòi hỏi tình yêu. Chúng ta chỉ dành khoảng lặng cho những điều hoặc những người chúng ta yêu; và ở đây chúng ta đang nói về Thiên Chúa, Đấng chúng ta yêu mến, một Thiên Chúa muốn ngỏ lời với chúng ta.” Theo Đức Phanxicô, công cuộc truyền giáo xuất phát từ lòng yêu thương người khác có thể tạo nên “một điệu nhạc gợi lên khích lệ, sức mạnh và nhiệt huyết.”
Biến Đổi Cuộc Sống Bằng Cách Sưởi Ấm Con Tim
Một câu chuyện có thật kể về một linh mục trẻ mới chịu chức, được bổ nhiệm làm cha phó ở một giáo xứ. Ngài nổi tiếng là một giảng viên giỏi— luôn rõ ràng, mạch lạc và chuẩn bị kỹ lưỡng. Vào Chúa Nhật đầu tiên phục vụ giáo xứ, ngài giảng bài giảng mà ngài nghĩ là khá hay. Sau thánh lễ, cha xứ đợi ngài trong phòng thánh và hỏi: “Con thấy thế nào?” Ngài đáp: “Không tệ, nhưng con có cảm giác vẫn thiếu sự kết nối với giáo dân.” Tuần sau đó, ngài dành nhiều thời gian và công sức hơn nữa cho bài giảng Chúa Nhật. Một lần nữa, cha xứ đợi để gặp ngài sau lễ và hỏi: “Tuần này khá hơn không?” “Không. Còn tệ hơn. Con cảm thấy họ lạc mất nửa chừng bài giảng.” Sang Chúa Nhật tiếp theo, ngài chuẩn bị chưa bao giờ kỹ càng như thế. Nội dung bài giảng rất tuyệt, cách trình bày và sự chăm chút cũng rất cẩn thận. Cha xứ lại hỏi: “Lần này con thấy sao?” “Khủng khiếp,” linh mục trẻ trả lời. “Có chuyện gì với những người này vậy? Con không thể kết nối với họ.” Vị cha xứ khôn ngoan hỏi thêm một câu khác: “Con nói cho cha biết, những người con vừa cử hành Thánh Lễ cùng, con có yêu họ không? Con không thể giảng, dạy giáo lý, hay truyền giáo cho người ta nếu trước hết con không yêu họ.” Cho Chúa Nhật tiếp theo, linh mục trẻ áp dụng lời khuyên này. Khi chuẩn bị bài giảng, ngài hình dung về các giáo dân khi cầu nguyện với những bài đọc Chúa Nhật. Ngài cầu nguyện cho những người mà ngài sắp giảng và xin ơn Chúa Kitô ban cho ngài biết yêu họ như Chúa yêu. Và từ tấm lòng yêu mến ấy, một bài giảng tuyệt vời được hình thành—một bài giảng chạm đến trái tim, truyền cảm hứng, và sưởi ấm con tim của tất cả những ai lắng nghe.
Câu chuyện nêu lên rằng trong mọi nỗ lực loan báo Tin Mừng và dạy giáo lý, thành quả sẽ lớn lên tùy theo lòng yêu mến chúng ta dành cho những người chúng ta đang nhắm đến. Câu chuyện nhắc chúng ta rằng điều quan trọng không chỉ là chúng ta nói hay dạy gì, mà còn là cách chúng ta nói và tình yêu chúng ta đặt vào việc truyền tải đức tin mà chính bản thân mong ước được sẻ chia.
Điểm xuất phát của chúng ta, luôn luôn, chính là Chúa Kitô. Người trung tín rao giảng và truyền dạy chân lý Tin Mừng bằng lời nói và gương sáng, kèm với quyền năng (Mc 1,27). Lời nói của Người chạm đến tâm hồn con người và hoà hợp với những khát vọng sâu thẳm nhất của họ—đến độ người ta phải thốt lên: “Chưa từng có ai giảng như người này” (Ga 7,46). Việc Người loan báo Tin Mừng không bao giờ nhắm đến thắng một cuộc tranh luận, mà là chinh phục tâm hồn người ta và dẫn đưa họ đặt niềm tin nơi Người. Lời chân lý của Người không bao giờ tách rời khỏi tình yêu, ngay cả khi lời ấy đầy thách thức và phê phán mạnh mẽ. Khi Người khiển trách nhóm Pharisêu, sự nhiệt thành ấy được thúc đẩy bởi tình yêu dành cho họ và ước muốn họ hoán cải. Nơi Chúa Kitô, tình yêu của Thiên Chúa làm người không được đề xuất như một lý thuyết hay ý tưởng, mà đến từ một tâm hồn chan chứa lửa yêu thương và được trao ban qua vết thương chịu khổ đau. Sau Phục Sinh, khi Người gặp các môn đệ trên đường Emmau, việc Người giải thích Kinh Thánh đã khiến lòng họ bừng cháy niềm hy vọng, đức tin và niềm vui mới.
Chiều kích tình cảm này trong việc rao giảng Kitô giáo không bị bỏ qua bởi những vị như Thánh Augustinô. Trong tác phẩm kinh điển “Về Giáo Lý Kitô Giáo” (On Christian Doctrine), điều hệ trọng không chỉ là nội dung giáo lý, mà còn là niềm đam mê và tình yêu khi rao giảng. Nói về tình yêu Chúa Kitô, thay vì coi đó như một ý niệm, ngài ví nó như ánh rực sáng của ngọn lửa đang cháy trong tim.
Vận dụng ý tưởng của Aristotle, Thánh Augustinô nhận định: khả năng thuyết phục hiệu quả tùy thuộc vào Ethos (phẩm cách của người nói), Logos (nội dung giảng) và Pathos (cảm xúc được khơi gợi nơi người nghe). Trích lời Cicero, Augustinô đã học được rằng: “một nhà hùng biện vĩ đại đã nói rằng ‘một người khéo ăn nói phải nói sao để dạy dỗ, lôi cuốn và thuyết phục… Dạy dỗ là nhu cầu, lôi cuốn là nét đẹp, còn thuyết phục là thành tựu.’” Ngài dùng hình ảnh các loại gia vị để làm đậm đà món ăn nhằm mô tả việc giảng dạy thấm nhuần khả năng hùng biện, “không chỉ nói cho họ biết họ phải làm gì, mà còn thúc giục họ thực hành điều họ đã biết phải làm.”
Ở đây, Augustinô thêm một lưu ý quan trọng về việc rao giảng và dạy dỗ với tình cảm cùng niềm vui: Đánh động con tim người khác không phải là mục đích tự thân, mà là phương tiện cuối cùng để làm cho Chúa Kitô được nhận biết và dẫn đưa người ta đến niềm tin nơi Người. Hơn nữa, điều đáng nói là chân lý luôn quan trọng hơn những lời nói trau chuốt: “Thà nói khôn ngoan mà không hoa mỹ, còn hơn nói hoa mỹ mà lại thiếu khôn ngoan.” Điều này đưa chúng ta trở đi trở lại với mục tiêu của việc truyền giáo: không phải để tạo ra cảm xúc, mà là để biến đổi cuộc sống.
Tuy vậy, khía cạnh cảm xúc trong công cuộc truyền giáo vẫn được một số vị thánh vĩ đại trong truyền thống của chúng ta duy trì. Khi suy niệm về Lễ Hiển Linh của Chúa, Thánh Bernardô thành Clairvaux viết: “Càng hạ mình vì tôi, Người càng mãnh liệt cuốn hút tình yêu của tôi.” Trong thông điệp gần đây về Thánh Tâm, Dilexit Nos, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại lời Thánh Bonaventura khuyên các Kitô hữu đừng chỉ cầu xin ánh sáng, mà hãy cầu xin “ngọn lửa bừng cháy.” Đức Phanxicô cũng chỉ ra rằng nền thần học của Linh Đạo Thánh I-nhã được xây dựng trên “tình cảm thiêng liêng” (Affectus).
Sau cùng, với Thánh Gioan Thánh Giá, Thiên Chúa chạm đến chúng ta qua tình cảm thiêng liêng. Nhờ đó, Người “làm cho tâm hồn tươi mát, tràn ngập vui sướng và hoan lạc.”
Trong sự liên tục với truyền thống rao giảng diễn tả bằng con tim này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói về nhiệm vụ của Giáo Hội là “sưởi ấm con tim.” Trong một buổi phỏng vấn ngay sau khi được bầu chọn, Ngài nhấn mạnh chúng ta phải “có khả năng sưởi ấm trái tim của con người, đồng hành bên họ trong bóng tối, trò chuyện với họ và thậm chí bước vào đêm tối của họ, mà không lạc lối.”
Trong Tông huấn Evangelii Gaudium, Đức Thánh Cha khuyên các linh mục hãy giảng với sự gần gũi giáo dân như một “cuộc giao tiếp từ tâm hồn đến tâm hồn” và với “sự ấm áp trong âm giọng.” Tương tự như lời khuyên của cha xứ dành cho cha phó trẻ về việc yêu thương giáo dân, Đức Phanxicô nói: “Chuẩn bị bài giảng đòi hỏi tình yêu. Chúng ta chỉ dành khoảng lặng cho những điều hoặc những người chúng ta yêu; và ở đây chúng ta đang nói về Thiên Chúa, Đấng chúng ta yêu mến, một Thiên Chúa muốn ngỏ lời với chúng ta.” Theo Đức Phanxicô, công cuộc truyền giáo xuất phát từ lòng yêu thương người khác có thể tạo nên “một điệu nhạc gợi lên khích lệ, sức mạnh và nhiệt huyết.”
Chúng ta không thể truyền giáo cho người khác nếu chưa yêu thương giáo dân trước. Với tất cả thành phần trong Giáo Hội đang có ảnh hưởng trên người khác với tư cách là cha mẹ, ông bà, linh mục, giáo lý viên, nhà giáo, tác giả và người dẫn dắt: Hãy nhớ rằng không chỉ nội dung chúng ta truyền đạt mới quan trọng, mà còn cả nhiệt tình, sự ấm áp và lòng yêu mến chúng ta dành cho người khác khi thực hiện điều đó. Ước gì lời nói và chứng tá của chúng ta làm ấm lòng, đốt tan sự lạnh lẽo và thờ ơ, lôi cuốn tâm hồn những ai chúng ta muốn loan báo Tin Mừng và dẫn đưa họ đến kết hợp với Chúa Kitô, Đấng là lò lửa tình yêu và lòng thương xót cho con người.
Nguồn: Wordonfire.org
Chuyển ngữ: Tôma Nguyễn Quốc Việt
- Ban Dịch Thuật MFVN
Ý Cầu Nguyện Tháng 02
“CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI LINH MỤC VÀ TU SĨ"
Chúng ta hãy cầu nguyện để các cộng đoàn Giáo hội biết đón nhận những nguyện vọng và cả những do dự của những người trẻ cảm thấy tiếng gọi phục vụ sứ mệnh của Chúa Kitô trong đời sống linh mục và tu sĩ.
Giải Đáp Hôn Nhân & Gia Đình
Hạt Giống Đức Tin
Chuyên Đề
Đang Online
We have 239 guests and no members online