-
Ngày Đăng: 12 May 2022
-
Lượt xem: 604
Mùa Phục sinh Tin mừng hướng đến những sự kiện hân hoan, vui mừng việc Chúa Kitô sống lại, phục sinh vinh hiển và hiện ra với các Tông đồ cùng những người khác nhằm củng cố đức tin cho họ. Tin mừng ngày hôm nay lại trái với các sự kiện đó, bởi vì Tin mừng hôm nay được xem như sứ mạng cốt lõi và một lời di chúc của Chúa Giêsu về thiết lập một điều răn mới “Mến Chúa, yêu người”.
YÊU LÀ TÔN VINH CHÚA
(Ga 13, 31-33a.34-35)
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ thân mến!
Mùa Phục sinh Tin mừng hướng đến những sự kiện hân hoan, vui mừng việc Chúa Kitô sống lại, phục sinh vinh hiển và hiện ra với các Tông đồ cùng những người khác nhằm củng cố đức tin cho họ. Tin mừng ngày hôm nay lại trái với các sự kiện đó, bởi vì Tin mừng hôm nay được xem như sứ mạng cốt lõi và một lời di chúc của Chúa Giêsu về thiết lập một điều răn mới “Mến Chúa, yêu người”.
Trước hết, đầu Tin mừng là một sự đối kháng mạnh mẽ giữa sự thiện và sự xấu, khi Đức Giêsu để cho sự xấu tức là Giuđa ra khỏi sự hiện diện của mạc khải. Lúc bấy giờ Ngài đã nhìn thấy rõ con đường khổ giá, sự mạc khải mới được tỏ lộ nơi con người. Chúa Giêsu đã không hề nao núng vì Ngài biết rõ sứ mạng cốt lõi của Người đến làm chứng tá nhằm tôn vinh Thiên Chúa Cha nơi chính mình, và sự tôn vinh đó tương lai đem lại vinh quang được hưởng sau cuộc thương khó. Chính lúc ấy, cả một sự chiến đấu nơi Đức Giêsu khi giữa cái chết và sự sống, sự đau khổ và nước mắt mà Tiên Tri Isaia đã nói về “Người tôi trung đau khổ”. Thật vậy, Đức Giêsu đến trần gian là để nhằm tôn vinh Cha chỉ vì tình yêu của Chúa Cha dành cho Ngài, và Ngài muốn trao ban chính tình yêu vô biên đó đến cho nhân loại.
Tiếp đến, Tình yêu đấy đã được Đức Giêsu trao ban cho các môn đệ: “Anh em hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương anh em”. Như vậy, đây là điều răn tóm tắt cốt yếu toàn bộ căn tính của người môn đệ là “yêu thương nhau”. Thật ra, điều răn như thế chẳng có gì là mới so với người Do thái. Nhưng điểm chính yếu ở đây không phải là chữ “Yêu” nhưng là chữ “ Như” vì “yêu như Chúa yêu”. Đó là tóm kết toàn bộ lề luật “Mến Chúa, yêu người”. Trong Sứ mạng của Ngài luôn mời gọi mỗi người hãy yêu thương nhau, yêu thương đến nỗi vâng phục Thiên Chúa Cha từ bỏ thân phận để trở nên người phàm, chịu nạn - đau khổ - chết trên cây thập giá. Trong cuộc đời rao giảng, Ngài mời gọi sự yêu thương chiều ngang bởi các hành động vô cùng trìu mến qua dụ ngôn Người phụ nữ ngoại tình, người con hoang đàng và người Samari nhân hậu… Hơn hết, Ngài yêu thương đến nỗi chấp nhận sự chối bỏ của Phêrô, sự chạy trốn của các môn đệ, tên trộm lành hối cải và đỉnh cao là sự cầu xin tha thứ cho những người đã giết Ngài. Một tình yêu như thế không chỉ được Ngài thực hiện qua lời rao giảng nhưng bằng chính con người khi tự hiến thân chịu chết trên thập giá để mang lại ơn cứu chuộc cho nhân loại.
Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ.
Hôm nay, Giáo hội mời gọi chúng ta hãy trở về giây phút trầm lắng bữa tiệc ly, để nhớ lại Lời cốt yếu của Người, Lời đã tạo nên sức mạnh, Lời đã tạo nên sự sống còn, và là cốt yếu truyền giáo của Giáo hội. Việc Giuđa phản bội đã bị loại ra khỏi sự mạc khải của tình yêu Thiên Chúa. Đức Giêsu đến với trần gian này, mục đích tôn vinh Chúa chính là làm chứng về tình yêu của Ngài và Cha, bằng việc sống phó thác và thực hiện những điều mà Chúa Cha đã giao phó. Trong đời sống chúng ta cũng thế, ngang qua bài đọc hai, qua phép rửa chúng ta trở nên con người mới được tháp nhập vào tình yêu của Thiên Chúa, nên sẽ là mâu thuẫn nếu chấp nhận một đời sống tầm thường, với một nền đạo đức tối thiểu và một lòng đạo nông cạn. Hơn hết, Chúng ta phải được Chúa biến đổi như trong bài đọc hai: “Này đây ta đổi mới mọi sự”.
Yêu như Chúa đã yêu chính là cúi xuống phục vụ với một tình yêu không biên giới. Như việc hạ mình xuống ngang hàng với người mình yêu để cảm thông, chia sẻ và yêu thương như bạn hữu thân tình, như việc yêu cho đến chết và chết, như lời nói tha thứ cho người phản bội và giết chết mình. Như vậy, chúng ta bộc lộ được khả năng thấu hiểu và chấp nhận người khác, chia sẻ cuộc đời và số phận với người khác, liên đới với họ trong mọi cố gắng cao đẹp và tốt lành của mình, vì lúc đấy Chúa thật sự hiện diện say đắm trong quả tim đời sống nội tâm.
Hãy yêu thương nhau như thầy yêu thương anh em. Có nhiều dấu hiệu để chứng tỏ là người Kitô hữu qua việc làm dấu thánh giá, mặc đồng phục công giáo, hay đeo thánh giá. Nhưng đối với Chúa, dấu hiệu nhận ra rõ nét đặc trưng chính là tình yêu mà họ dành cho nhau qua việc cảm thông, chia sẻ, hy sinh và tha thứ. Tiếc thay, giữa lòng của thế giới và giáo hội, những rảo càn đấy vẫn luôn hiện diện cách rõ nét. Tại sao, thế giới hôm nay như sa mạc hoang, ốc đảo thiếu vắng tình thương? Bên cạnh đó, ta rất tự hào khi qua những biến cố, tình yêu trở nên mạnh mẽ hơn. Bởi vì, tình yêu là dấu chứng thuộc về Chúa, đạo của Thiên Chúa là tình yêu, chính tình yêu thương vô vị lợi, phổ quát, bao dung này là điều chứng tỏ tin theo và tuân giữ luật Chúa.
Tình yêu chính là bảo chứng tôn vinh Thiên Chúa. Sức mạnh của thời gian có thể làm hao mòn, tiêu tan, phá vỡ mọi thứ. Thời gian không chỉ làm lành vết thương về mọi thứ nhưng còn là sự phá nát tàn nhẫn. Nhưng chỉ có tình yêu mới chiến thắng phá vỡ được thời gian, bất cứ một nghĩa cử yêu thương nào dành cho tha nhân đều trở thành bất diệt bởi vì nó tham dự vào tình yêu Thiên Chúa. Người sống cho kẻ khác là người sống cho Chúa và ai sống cho Chúa chính là sống mãi trong tình yêu.
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ.
Tóm lại, Lời Chúa hôm nay nhắc nhở đến mọi người chúng ta một điều răn mới “Mến Chúa yêu người”, cứ dấu hiệu này mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ thầy: “Anh em hãy yêu thương nhau như chính thầy yêu thương anh em” và chính tình yêu đấy là để tôn vinh Thiên Chúa Cha đấng là nguồn mạch của tình yêu vì như Thánh Gioan đã nói: “Thiên Chúa là Tình yêu (1Ga 4, 8)”.
Lạy Chúa, dấu hiệu nhận biết người Kitô hữu là yêu thương, thì xin cho chúng ta luôn tỏa sáng niềm vui của tình yêu trong cuộc sống qua lời nói yêu thương, qua những nghĩa cử nhân hậu cao đẹp và hành động vì anh chị em. Nếu Tình yêu là một dòng chảy, thì tình yêu ấy sẽ liên kết chúng con lại với Chúa và với nhau. Xin cho dòng chảy tình yêu Chúa luôn trường tồn trong chúng con để dòng chảy tình yêu ấy đến với mọi người, để khắp thế giới này đầy tình yêu Chúa. Amen.
Phêrô Võ Thanh Phong MF – Thần III
Ý Cầu Nguyện Tháng 12
“CẦU NGUYỆN CHO NHỮNG NGƯỜI HÀNH HƯƠNG HY VỌNG"
Chúng ta hãy cầu nguyện để Năm Thánh mở ra cho chúng ta sự tăng cường về đức tin, giúp chúng ta nhận biết Đức Kitô phục sinh ở giữa cuộc đời chúng ta, biến đổi chúng ta thành những người hành hương đầy hy vọng Kitô giáo.
Giải Đáp Hôn Nhân & Gia Đình
Hạt Giống Đức Tin
Chuyên Đề
Đang Online
We have 31 guests and no members online