-
Ngày Đăng: 05 January 2025
-
Lượt xem: 157
“Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2).
Can Đảm Canh Tân Đời Sống Đức Tin Trong Đời Sống Thánh Hiến
Đời sống thánh hiến là một hành trình liên lỉ của sự biến đổi. Mỗi tu sĩ được mời gọi bước theo Đức Kitô, để từng ngày “nên đồng hình đồng dạng” với Người. Thế nhưng, có những lúc người tu sĩ cảm thấy đức tin của mình trở nên nặng nề, cầu nguyện khô khan, và nhiệt huyết dần vơi cạn. Đây là một thực tế mà nhiều người sống đời thánh hiến có thể đã trải qua. Trong thư Rôma, Thánh Phaolô đã đưa ra một lời mời gọi mạnh mẽ: “Đừng rập theo đời này” (Rm 12,2). Lời này không chỉ là một cảnh báo về những cám dỗ bên ngoài mà còn là lời thúc giục hãy nhìn lại nội tâm: Tôi có đang sống đời tu trì chỉ bằng hình thức bề ngoài mà thiếu chiều sâu nội tâm? Tôi có để cho Lời Chúa biến đổi mỗi ngày, hay tôi đang tự bằng lòng với chính mình? Trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày: “Mối đe dọa lớn nhất từ từ hình thành: “chủ nghĩa thực dụng màu xám của đời sống hằng ngày của Hội Thánh, trong đó mọi sự có vẻ diễn tiến bình thường, nhưng trên thực tế đang hao mòn dần và rơi xuống tình trạng thiển cận”.[1] Canh tân đời sống đức tin không phải là một dự án ngắn hạn, mà là một cuộc hành trình dài hơi, cần sự bền bỉ và kiên trì. Đó là hành trình của “đổi mới tâm thần”, nghĩa là để cho Chúa Thánh Thần hoạt động và làm mới lại mọi ngóc ngách trong tâm hồn chúng ta.
I. Những Nguy Cơ Dẫn Đến Sự Khô Cạn Đức Tin Trong Đời Tu
Đời sống thánh hiến là hành trình theo sát Chúa Giêsu, nhưng không phải lúc nào con đường ấy cũng trải đầy hoa hồng. Người tu sĩ, dù đã thánh hiến cho Thiên Chúa, vẫn có thể rơi vào những cám dỗ tinh vi làm suy yếu đời sống đức tin. Những nguy cơ này, nếu không được nhận diện và đối diện sớm, có thể dẫn đến sự khô cằn tâm linh và mất dần ý nghĩa đời tu trì.
1. Thói Quen Hóa Đời Sống Tu Trì
Thánh Têrêsa Avila từng nói: “Sự khô khan trong cầu nguyện không đến từ Chúa, nhưng đến từ việc chúng ta để trái tim mình xa cách Ngài.” Cầu nguyện, đọc kinh, tham dự Thánh Lễ, hoặc phục vụ có thể dần trở thành những thói quen máy móc, thiếu chiều sâu. Người tu sĩ thực hiện các bổn phận nhưng thiếu đi lòng mến, biến đời sống thiêng liêng thành nghĩa vụ hơn là tình yêu. Điều này được nhân biết qua việc: cầu nguyện nhưng không cảm nhận sự hiện diện của Chúa; tham dự thánh lễ nhưng tâm trí hướng về những công việc khác. Hậu quả dẫn đến, đời sống tu trì mất đi lửa mến, mọi việc trở nên nặng nề, nhàm chán và thiếu sức sống. Người tu sĩ dễ dàng dửng dưng trước sự hiện diện của Chúa.
2. Tâm Lý An Toàn, Ngại Thay Đổi
Người tu sĩ dễ có xu hướng chọn sự ổn định và an toàn. Họ sống theo những khuôn mẫu sẵn có, ngại thử thách bản thân, không dám mạo hiểm bước ra khỏi vùng an toàn để bước xa hơn trong đời sống thiêng liêng Cùng với đó, họ thỏa mãn với tình trạng hiện tại, không có khao khát thánh thiện hơn và khó sẵn sàng lắng nghe góp ý từ bề trên hoặc anh em. Điều này dẫn đến đời sống tu trì trở nên trì trệ, không phát triển. Người tu sĩ đánh mất cơ hội để trưởng thành trong tình yêu Chúa và thánh hóa bản thân. Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo: “Tôi muốn có một Giáo hội bị bầm dập, bị tổn thương và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, còn hơn một Giáo hội bệnh hoạn vì đóng cửa và thanh nhàn bám víu vào sự an toàn riêng của mình.”[2]
II. Đổi Mới Tâm Thần – Lời Mời Gọi Canh Tân Tận Căn
Đổi mới tâm thần không chỉ là sửa đổi hành vi bề ngoài mà là sự biến đổi từ gốc rễ nội tâm. Đó là để Chúa Thánh Thần đổi mới từ tư tưởng, cảm xúc, động lực cho đến lối sống. Mô hình đổi mới: Người tu sĩ không thể tự biến đổi mình, nhưng cần cậy dựa vào ơn Chúa và sự cộng tác bền bỉ trong cầu nguyện, hy sinh và phục vụ. Thánh Phaolô nói: “Nếu ai ở trong Đức Kitô, thì người ấy là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi” (2Cr 5,17).
1. Đổi Mới Tâm Thần Bắt Đầu Từ Lời Chúa
Lời Chúa có sức mạnh thanh tẩy và biến đổi tâm hồn người tu sĩ. Khi để Lời Chúa thấm nhập vào cuộc sống, người tu sĩ được soi sáng tâm trí giúp phân định điều gì là ý Chúa, điều gì là của thế gian; cùng với đó, được thắp sáng niềm tin và hy vọng giúp người tu sĩ tìm lại ý nghĩa đời sống thánh hiến và khơi dậy lòng khao khát hoán cải, đặt Chúa làm trung tâm đời sống. Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định: “Có một cách đặc biệt để nghe những điều Chúa muốn nói với chúng ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí. Chúng ta gọi đó là lectio divina. Nghĩa là đọc Lời Chúa trong lúc cầu nguyện và để cho lời soi sáng và đổi mới chúng ta.”[3]
2. Cởi Mở Với Chúa Thánh Thần
Chúa Thánh Thần là Đấng hành động sâu thẳm trong tâm hồn, làm bừng cháy lên ngọn lửa yêu mến và đổi mới toàn diện con người từ bên trong. Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định: “Việc Phúc-Âm-hoá đầy Thần Khí là công việc được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, vì Người là linh hồn của Hội Thánh được gọi để công bố Tin Mừng. Trước khi cống hiến một số động lực và gợi ý thiêng liêng, một lần nữa tôi cầu xin Chúa Thánh Thần ngự đến.”[4] Chúa Thánh Thần không chỉ là “hơi thở” của Giáo Hội mà còn là nguồn lực canh tân đời sống thiêng liêng của từng người tu sĩ. Người tu sĩ nhiều khi cố nắm giữ quyền kiểm soát đời sống mình, sợ phải thay đổi hoặc bước ra khỏi vùng an toàn. Cởi mở với Chúa Thánh Thần là hành động buông bỏ: buông bỏ ý riêng để tìm kiếm ý Chúa, buông bỏ sự sợ hãi để can đảm bước theo sự thúc đẩy mới mẻ của Ngài, buông bỏ những gắn bó thế tục để quay về với Chúa trong sự đơn sơ và khiêm hạ. “Thánh Thần Chúa thổi đâu tùy ý, ai nghe theo Ngài thì sẽ được tự do đích thực” (Ga 3,8).
Khi người tu sĩ dành thời gian thinh lặng trước Thánh Thể, chiêm niệm Lời Chúa và suy gẫm trong cầu nguyện, Thánh Thần sẽ thì thầm, dẫn dắt và đổi mới tâm hồn họ. “Chúa Thánh Thần là người bạn đồng hành thân tín nhất trong cầu nguyện. Ngài sẽ dạy bạn điều phải nói và điều cần giữ im lặng” (Thánh Gioan Thánh Giá).
III. Những Hành Động Cụ Thể Để Canh Tân Đời Sống Đức Tin
Canh tân đời sống đức tin là tiến trình cần sự quyết tâm, ý chí và ơn Chúa Thánh Thần. Hành trình này đòi hỏi sự đổi mới toàn diện, từ đời sống thiêng liêng cá nhân, cộng đoàn, đến sứ vụ và phục vụ tha nhân.
1. Đặt Bí Tích Thánh Thể Làm Trung Tâm Đời Sống Tu Trì
Thánh Thể là suối nguồn và đỉnh cao của đời sống thánh hiến. Nơi Bí Tích Thánh Thể, người tu sĩ gặp gỡ Chúa Giêsu, Đấng đã yêu và hiến mạng sống vì nhân loại. Vì vậy mỗi Thánh Lễ là cơ hội để người tu sĩ hiệp dâng chính mình, nối kết với hy lễ của Đức Kitô. Thánh lễ không chỉ là việc cử hành, mà là động lực nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng, là "lửa hồng" nung nấu lại lòng nhiệt thành đã nguội lạnh. Bên cạnh đó, người tu sĩ cần dành thời gian chầu Thánh Thể: đây là lúc tâm hồn được thinh lặng, lắng nghe tiếng Chúa và để Ngài chữa lành, đổi mới. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Thông điệp Bí tích Thánh Thể đã chia sẻ “Dưới hình bánh rượu khiêm tốn, được biến bản thể, thành Mình và Máu Ngài, Chúa Kitô đồng hành với chúng ta, Ngài là sức mạnh và của ăn đàng cho chúng ta, và Ngài biến chúng ta thành những chứng nhân hy vọng cho tất cả anh em chúng ta.”[5]
2. Tái Khám Phá Cầu Nguyện – Trái Tim Của Canh Tân Đời Sống
Cầu nguyện là hơi thở của đời sống thiêng liêng, là nhịp cầu nối con người với Thiên Chúa. Thiếu cầu nguyện, đời sống tu trì sẽ dần khô cằn và mất đi sự sống động của ơn gọi. Người tu sĩ cần dành thời gian riêng để lắng đọng, đối diện với Chúa, bày tỏ niềm vui, nỗi buồn và những chênh vênh của cuộc sống. Hãy để Chúa trở thành người bạn đồng hành thân tín nhất. Tái khám phá cầu nguyện bằng cảm thức của con tim, tâm hồn trong mỗi khoảnh khắc của ngày sống được chìm đắm trong sự hiện diện của Thiên Chúa, cảm nhận tình yêu của Ngài. Trong Tông Huấn Đức Kitô đang sống, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ: “Cầu nguyện là một thách đố và cũng là một cuộc phiêu lưu. Và cuộc phiêu lưu thật là thú vị biết bao! Nó cho phép chúng ta biết Người mỗi ngày một hơn, cho chúng ta đi vào tương giao sâu xa với Người và càng ngày càng kết hợp bền chặt hơn với Người. Cầu nguyện cho phép chúng ta chia sẻ với Người mọi điều xảy đến với mình và tín thác trong vòng tay của Người, đồng thời cầu nguyện cũng cho chúng ta những giây phút thân tình quý giá, trong đó Đức Giêsu trao ban sự sống của Người cho chúng ta”.[6]
3. Đời Sống Cộng Đoàn – Hành Trình Tập Luyện Đức Ái
Cộng đoàn là môi trường giúp người tu sĩ trưởng thành trong đức ái, là nơi học yêu thương, tha thứ và đồng hành với nhau trên con đường nên thánh. Lắng nghe và thấu hiểu anh em: Lắng nghe không chỉ bằng tai mà còn bằng con tim. Biết lắng nghe là khởi đầu của sự hiệp thông và xây dựng tình huynh đệ. Khiêm nhường trong cộng đoàn: Với thánh Biển Đức, khiêm nhường là cây thang giúp ta trèo lên tới tình yêu: “Chẳng mấy chốc đan sĩ sẽ đạt tới lòng mến Chúa, và khi lòng mến đã hoàn hảo thì loại bỏ sợ hãi”.[7] Khiêm nhường giúp người tu sĩ chấp nhận sự khác biệt và bất toàn nơi chính mình và nơi anh em. Sẵn sàng tha thứ và bắt đầu lại: Cộng đoàn là nơi dễ gây tổn thương, nhưng cũng là nơi thiêng liêng nhất để sống tinh thần tha thứ và hòa giải. Cộng đoàn không hoàn hảo, nhưng chính nơi đó, người tu sĩ học sống yêu thương và để cho tình yêu ấy thấm nhập vào đời sống thiêng liêng.
4. Dấn Thân Phục Vụ – Gặp Gỡ Chúa Kitô Nơi Người Nghèo
Đức Giêsu Kitô hiện diện nơi những người nghèo khổ, bé mọn. Việc phục vụ là con đường chắc chắn để người tu sĩ gặp gỡ Ngài cách sống động. Làm việc với tình yêu và khiêm tốn: Không phải làm để được nhìn nhận, nhưng làm vì tình yêu và lòng trung tín với Chúa. Gặp Chúa nơi những người đau khổ: Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Trong mọi hoàn cảnh, chúng ta được mời gọi trở thành bạn hữu của người nghèo, bằng cách theo bước Chúa Giêsu là người đầu tiên đã bày tỏ tình liên đới với những người rốt hết.”[8] Khi phục vụ họ, người tu sĩ học được cách sống đơn sơ và từ bỏ chính mình. Phục vụ trong thầm lặng: Những hy sinh âm thầm, dù nhỏ bé, là những viên đá xây dựng nên đời sống thánh hiến.
Tạm kết
Canh tân đời sống đức tin là một lời mời gọi liên tục và cấp thiết đối với người thánh hiến. Đó không phải là điều diễn ra trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, mà là một cuộc hành trình kéo dài cả đời người, nơi mà người tu sĩ luôn phải chiến đấu với chính mình. Ý thức mình cần được đổi mới mỗi ngày: Không ai là hoàn hảo. Canh tân không phải là sửa chữa một vài thiếu sót mà là để cho toàn bộ đời sống được biến đổi. Xin ơn can đảm từ Chúa Thánh Thần: Mọi sự đổi mới đều bắt nguồn từ ơn Chúa Thánh Thần. Hãy cầu xin Ngài ban cho sức mạnh để vượt qua sự sợ hãi và ngần ngại. Không sợ thất bại: Canh tân là hành trình dài, có lúc sẽ gặp thất bại và chán nản. Nhưng mỗi lần ngã là một cơ hội để đứng dậy và bắt đầu lại. Trung tín với đời sống cầu nguyện: Chúa là Đấng đổi mới và thanh luyện. Hãy để Ngài trở thành Đấng đồng hành trên mọi nẻo đường.
Lạy Chúa, xin đổ tràn Thánh Thần Ngài trên con, để con luôn can đảm bước vào hành trình canh tân, hầu trở thành ánh sáng và muối men giữa lòng thế giới. Amen.
Tu sĩ Tôma Aquinô Hoàng Văn Quyết, M.F.
[1] Francis, Evangelii Gaudium, no. 83.
[2] Ibid. no. 49.
[3] Francis. Evangelii Gaudium, no. 152.
[4] Ibid. no. 261.
[5] Gioan Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, số 62, 2003.
[6] Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit, số 155.
[7] Jedrzejczak, Dom Guillaume. Chú giải Tu luật Thánh Biển Đức theo từng ngày. Đan viện MontDesCats, 2020.
[8] Phanxicô, Sứ điệp Ngày Thế Giới Người Nghèo lần thứ VIII: Trở thành bạn hữu của người nghèo, 2024.
Ý Cầu Nguyện Tháng 02
“CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI LINH MỤC VÀ TU SĨ"
Chúng ta hãy cầu nguyện để các cộng đoàn Giáo hội biết đón nhận những nguyện vọng và cả những do dự của những người trẻ cảm thấy tiếng gọi phục vụ sứ mệnh của Chúa Kitô trong đời sống linh mục và tu sĩ.
Giải Đáp Hôn Nhân & Gia Đình
Hạt Giống Đức Tin
Chuyên Đề
Đang Online
We have 117 guests and no members online